[In trang]
Nỗ lực giảm tổn thất điện năng
Thứ hai, 11/08/2014 - 09:56
Từ địa bàn có mức tổn thất điện năng (TTÐN) cao nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, 6 tháng đầu năm 2014, chỉ số tổn thất điện năng bình quận ở Vũ Thư (Thái Bình) đã giảm xuống còn 10,26%, giảm 2,71% so với cùng kỳ.
Từ địa bàn có mức tổn thất điện năng (TTÐN) cao nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, 6 tháng đầu năm 2014, chỉ số tổn thất điện năng bình quận ở Vũ Thư (Thái Bình) đã giảm xuống còn 10,26%, giảm 2,71% so với cùng kỳ.

Theo Giám đốc Nguyễn Bạch Dương, đến nay, sau hơn 5 năm tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT), đơn vị đã thực hiện bán điện trực tiếp tới hộ gia đình tại 20 xã, thị trấn với gần 270km đường dây hạ áp và trên 51.000 khách hàng; các xã còn lại thực hiện bán điện đến công tơ tổng. Tuy nhiên, việc tiếp nhận LÐHANT trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, từ tổ chức bộ máy ở cơ sở đến việc đầu tư cải tạo lưới điện. Hệ thống lưới điện được đầu tư từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước do không được thường xuyên sửa chữa, cải tạo trong khi nhu cầu sử dụng của khách hàng ngày càng tăng nên đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn.

Với hệ thống dây dẫn đều là dây trần, bán kính cấp điện dài, công tơ không được kiểm tra định kỳ, dẫn đến đo đếm thiếu chính xác. Tỷ lệ thất thoát hàng năm sau công tơ tổng trung bình lên tới 30 - 35%. Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận, Ðiện lực Vũ Thư đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ dịch vụ bán lẻ điện năng của các xã tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý, vận hành và kinh doanh bán điện, bảo đảm duy trì cấp điện ổn định, an toàn. Tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn của các xã, khắc phục các điểm quá cũ bằng các  biện pháp: thay xà sứ, dây dẫn, hòm công tơ; giải phóng hành lang an toàn, sửa chữa cải tạo những đường dây có tỷ lệ TTÐN cao, mất an toàn của tất cả các xã, thị trấn. Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của ngành điện, từ năm 2010 đến nay, Công ty Ðiện lực Thái Bình đã đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện trung thế và hạ thế trên địa bàn toàn huyện, nhằm giảm bán kính cấp điện và chống quá tải. Tổng mức đầu tư nâng cấp, cải tạo và sửa chữa từ sau khi tiếp nhận là trên 90 tỷ đồng, góp phần giảm TTÐN từ trên 30% trước tiếp nhận xuống còn 10,26%.

550e6281f_dlvuthu.jpg

Công nhân điện lực Vũ Thư chuẩn bị vật tư để cải tạo lưới điện

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện Vũ Thư phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Bên cạnh nền nông nghiệp phát triển toàn diện, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ cũng lớn mạnh không ngừng. Nhiều làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, bún bánh, trồng dâu nuôi tằm… hình thành và phát triển. Trong thành công chung đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành điện, giúp bộ mặt nông thôn đổi thay. Ðiện không chỉ phục vụ thắp sáng mà còn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ðến nay, 100% các xã do ngành điện quản lý đều đạt tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới. 6 tháng đầu năm 2014, Ðiện lực Vũ Thư đã cung ứng hơn 45 triệu kWh, tốc độ tăng trưởng trên 15%, đặc biệt trong những tháng cao điểm mùa hè tăng trên 30%, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.

Mùa mưa bão năm nay đã cận kề, do đó nhiệm vụ bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục được Ðiện lực Vũ Thư đặt lên hàng đầu. Vì vậy, ngay từ cuối tháng 3, đơn vị đã tổ chức lập phương án cấp điện và phương án phòng chống lụt bão; thành lập ban chỉ huy, đội xung kích phòng chống lụt bão; tổ chức diễn tập các tình huống giả định trên lưới điện trung thế và hạ thế tại xã Bách Thuận. Ðồng thời, chỉ đạo đồng loạt các đội quản lý tổng hợp kiểm tra, xử lý các điểm xung yếu; bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp phụ tải; tập kết vật tư dự phòng, phương tiện, trang thiết bị cơ yếu như: xe cộ, xăng dầu, phao cứu sinh, đèn chiếu sáng cầm tay, máy phát điện xử lý sự cố. Kiểm tra toàn bộ đường dây, các trạm biến áp cấp điện cho hệ thống bơm tiêu úng, nhằm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định trước bão để phục vụ công tác tuyên truyền, chuẩn bị phòng chống lụt bão. 100% công nhân đều thực hiện nghiêm túc lịch trực tại đơn vị để theo dõi tình hình, sẵn sàng xử lý sự cố khi cần; liên tục cập nhật, nắm bắt thông tin tình hình mưa bão để chủ động triển khai kế hoạch theo sự chỉ đạo, phân công của Công ty Ðiện lực Thái Bình. Phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức phát quang hành lang tuyến, không để cây cối va quệt vào dây dẫn làm TTÐN và dễ gây ra mất an toàn lưới điện. Hệ thống đài truyền thanh huyện, các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền về tiết kiệm điện, đồng thời hướng dẫn sử dụng điện an toàn, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng an toàn, tiết kiệm, nhất là trong những tháng cao điểm mùa hè và mùa mưa bão.

Dù đã nỗ lực, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, song do mức độ tiêu thụ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân ngày càng tăng nên tình trạng quá tải cục bộ lưới điện vẫn xảy ra, nhất là khu vực làng nghề và các khu vực sử dụng nhiều thiết bị điện có phụ tải lớn trên địa bàn huyện. Ðể giải quyết triệt để tình trạng này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện rất cần sự chung tay góp sức của người dân trong việc thực hành tiết kiệm điện.

Theo Báo điện tử Thái Bình