[In trang]
Tích cực giảm tổn thất tài nguyên than
Thứ năm, 04/09/2014 - 09:01
Để tận thu nguồn tài nguyên than, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang triển khai các giải pháp công nghệ, kỹ thuật, tăng cường quản lý nhằm giảm thiểu tổn thất than đến mức thấp nhất.
Để tận thu nguồn tài nguyên than, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang triển khai các giải pháp công nghệ, kỹ thuật, tăng cường quản lý nhằm giảm thiểu tổn thất than đến mức thấp nhất.

Giảm tổn thất đáng kể

Báo cáo của TKV tại Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách” diễn ra mới đây cho biết, vào khoảng năm 1990, tình trạng tổn thất than (gồm lộ thiên và hầm lò) tỷ lệ thất thoát trong khai thác lên đến 20%. Trong đó, các mỏ lộ thiên thất thoát 10-13%, hầm lò còn lên tới 40- 50%. Thậm chí, có những mỏ cao hơn vì điều kiện địa chất phức tạp không thể khai thác được. Nguyên nhân chủ yếu do hiệu quả khai thác không cao, hơn nữa việc lựa chọn công nghệ khai thác thời kỳ đó còn lạc hậu.

Trước thực trạng này, đi đôi với tăng cường công tác quản trị tài nguyên kể từ năm 2.000 đến nay, Tập đoàn đã có bước chuyển biến tích cực trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ cơ giới hóa khai thác, trong đó ở các mỏ lộ thiên đã tăng cường áp dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ, gồm các thiết bị khoan, xúc bốc, vận thải theo hướng công suất lớn và thủy lực hóa. Ðối với các mỏ hầm lò, mức độ cơ giới hóa trong các khâu đào, chống lò, khai thác, vận chuyển than đã không ngừng được nâng cao, đầu tư bằng nhiều thiết bị máy móc hiện đại. Do vậy, mức độ tổn thất than ở các mỏ lộ thiên đã giảm còn 6%, hầm lò giảm dưới 30%, đồng nghĩa với việc TKV đã tận thu thêm khoảng 15 triệu tấn than.

Tuy nhiên, theo đánh giá của của các chuyên gia, con số tổn thất hiện nay vẫn còn lớn, các đơn vị khai thác tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng, giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác xuống dưới 5% trong khai thác lộ thiên và dưới 24% trong khai thác hầm lò. Ðể có thể đạt mục tiêu này, tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị loại bỏ đất đá, tạp chất ngay trong lò nhằm nâng cao chất lượng than trong khai thác thông qua việc các công ty than tổ chức sàng tuyển, chế biến sâu từ than nguyên khai, tăng thu hồi than từ đất đá lẫn than.

Trong khai thác hầm lò, nhiều đơn vị trong ngành đã và đang triển khai nghiên cứu công nghệ và các giải pháp thích hợp để khai thác trữ lượng than, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh mức độ cơ giới hóa nhằm tiêu hao lượng gỗ chống lò, theo như tính toán, bình quân sử dụng 10m3 gỗ /1.000 tấn than nguyên khai thì mỗi năm ngành than tiết kiệm được hàng triệu m3 gỗ. Ðiều đó không những góp phần nâng cao hiệu quả khai thác mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng. 

0bbf6e2b4_than.jpg

Cơ giới hóa giúp nâng cao hệ số thu hồi và tổn thất tài nguyên than

Với các mỏ lộ thiên, tỷ lệ giảm tổn thất than đã giảm từ 10% xuống còn 8% nhờ sử dụng các loại máy xúc thủy lực, máy xúc lật thế hệ mới việc đào sâu đáy mỏ đã tăng tốc độ xuống sâu trung bình 15m/năm, gấp đôi so với trước đây. Hơn nữa, các giải pháp công nghệ đã tạo điều kiện khai thác sâu hơn, không những gia tăng đáng kể hệ số thu hồi than nhiều mỏ lộ thiên ở Quảng Ninh tiếp tục kéo dài vòng đời khai thác so với dự kiến.

Bảo vệ tài nguyên than

Bên cạnh các giải pháp tăng thu hồi, hạn chế tổn thất than, Tập đoàn cũng đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để bảo vệ và ngăn chặn thất thoát than trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ than. Với sự phối hợp, quyết tâm giữa TKV với tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, công tác quản lý khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện một cách quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. 

Cùng với đó công tác quản lý đã được nâng lên hơn trước, Tập đoàn và UBND tỉnh đã ký kết kế hoạch phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trên địa bàn để công tác này được chỉ đạo thực hiện toàn diện hơn. TKV đã ban hành trên 20 văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác này. Trong đó có các quy định chặt chẽ, nghiêm túc về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra các hoạt động trái phép.

Ðồng thời yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch phối hợp với địa phương, công an các huyện, thị xã, phường sở tại, xây dựng phương án bảo vệ sản xuất, bảo vệ khai trường có hiệu quả. Tăng cường hoạt động của các đội bảo vệ cơ động tại các khu vực nhạy cảm, dễ xảy ra các hoạt động trái phép. Nhờ vậy, thời gian qua, các đoàn kiểm tra liên ngành tại địa phương phối hợp với các đơn vị ngành than trên địa bàn thường xuyên tuần tra, kiểm soát và mở các đợt cao điểm đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý việc tái khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép. Ðối với các khu vực ngoài ranh giới mỏ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chức năng đẩy mạnh quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, than, lâm sản… do đơn vị, địa phương quản lý.

Về vấn đề này, Chủ tịch HÐTV, Tổng giám đốc TKV Lê Minh Chuẩn cho biết, TKV tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị cần tập trung kiểm soát chặt chẽ ở các trạm ra - vào mỏ, trên các tuyến đường chuyên dụng. Cùng với đó tập trung củng cố các kho bãi chứa than, bố trí đủ đèn chiếu sáng tại các trạm gác; kiểm tra thường xuyên đèn pha chiếu sáng tại các chốt, trạm, kho than và trên đường vận chuyển để bảo vệ than an toàn 24/24. 

Mặt khác, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo các công ty than phải tập trung than tại kho trung tâm của đơn vị để giao than cho các công ty kho vận, sử dụng công nghệ thông tin kiểm soát dòng than qua các trạm bảo vệ, trên đường vận chuyển và luân chuyển nội bộ. Ðồng thời, các đơn vị cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền các địa phương làm tốt công tác quản lý ranh giới mỏ, ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép trên địa bàn.

Theo Tạp chí Năng lượng mới số 352+353