Tại tỉnh Ninh Thuận, Hội Chiếu sáng Việt Nam vừa phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất đèn chiếu sáng tổ chức hội nghị triển khai dự án “Thí điểm sử dụng đèn LED thay thế các nguồn sáng truyền thống trong đánh bắt thủy hải sản góp phần giảm phát khí thải nhà kính”
Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu - chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP - GEF SGP) tài trợ.
Theo các chuyên gia, công nghệ chiếu sáng dùng trong đánh bắt xa bờ truyền thống bằng các loại đèn cao áp, dây tóc, halogen, huỳnh quang, compact... chiếm tới hơn 50% tổng chi phí vận hành của mỗi đợt ra khơi, làm tăng gánh nặng cho ngư dân.
Tại hội nghị, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cho biết, nhằm đổi mới hệ thống đèn chiếu sáng để hoạt động đánh bắt thủy hải sản đạt hiệu quả, giúp ngư dân giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, trong tháng 3/2015, Điện Quang sẽ đưa ra thị trường 2 dòng sản phẩm, bao gồm: Bộ đèn LED pha chiếu sáng nước sâu có công suất từ 100-150 W (thay đèn cao áp 250-400 W…) dùng chiếu sáng xa và sâu dưới nước để thu hút đàn cá; công suất cao và vỏ nhôm tinh luyện đạt chuẩn IP67 bền vững với mọi thời tiết trên biển; Bộ đèn LED tube dùng cho chiếu sáng gần và rộng, gồm 5 bóng LED tube công suất 100 W (chỉ bằng một nửa hệ thống đèn huỳnh quang) với máng sơn tĩnh điện, trọng lượng nhẹ, dễ dàng lắp đặt dành cho ngành đánh cá.
Đây là các sản phẩm được hợp tác thiết kế và sản xuất bởi Điện Quang và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền dán chip LED vạn năng theo công nghệ Nhật Bản, siêu tiết kiệm điện. Hiện Điện Quang là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam sản xuất chuyên dòng sản phẩm này.
Theo Người lao động