Dự án chiếu sáng bằng đèn Led được triển khai thực hiện tại Bến Tre thời gian qua cho thấy, với khả năng tiết kiệm năng lượng và chất lượng chiếu sáng cao, Led chính là lựa chọn tối ưu cho chiếu sáng công cộng.
Hiệu quả cao
Trước đây, trên địa bàn TP. Bến Tre có tổng cộng hơn 2.519 bộ đèn đường được sử dụng, trong đó chiếm đa số là đèn sodium cao áp (HPS), còn lại là đèn metal halide (MH), đèn thủy ngân cao áp (HPML) và đèn compact (CFL). Hầu hết hệ thống chiếu sáng công cộng tại Bến Tre có công suất nguồn từ lưới điện hạ thế được thiết kế cho mục đích dân dụng, chất lượng điện áp thường không ổn định. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, điện áp rất thấp nên hiệu quả chiếu sáng không cao và làm giảm tuổi thọ đèn. Bên cạnh đó, việc vệ sinh, bảo dưỡng hay thay thế các bóng đèn, chóa đèn cũ, bị mờ không được thực hiện kịp thời. Do đó, công suất tiêu thụ cao nhưng hiệu quả chiếu sáng giảm, gây lãng phí năng lượng.
Để tiết kiệm điện, thời gian qua, TP. Bến Tre thực hiện cắt 50% số lượng bóng đèn trên các tuyến đường ngay từ đầu giờ tối, tuy nhiên điều này lại gây ảnh hưởng đến độ sáng và sự phân bố đồng đều trên mặt đường.
Giải quyết thực trạng trên, TP. Bến Tre đã quyết định triển khai dự án “Cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn Led tại TP. Bến Tre” với mục tiêu cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường như tuyến đường Cách Mạng Tháng 8, tuyến đường Đoàn Hoàng Minh, tuyến đường Đồng Khởi và tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu.
Được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12/2014, với việc thay thế hoàn toàn hệ thống đèn HPS 250W bằng đèn Led 80W, lượng điện năng chiếu sáng tiết kiệm được trên toàn thành phố vào khoảng trên 45.260 kWh/năm, tương đương trên 67 triệu đồng/năm. Lượng điện năng tiết kiệm được tương đương khoảng 72% lượng điện tiêu thụ trước đó.
Dễ dàng nhân rộng
Thành công từ mô hình chiếu sáng công cộng tại TP. Bến Tre mở ra 2 vấn đề cho chiếu sáng công cộng tại các đô thị. Thứ nhất, đây là mô hình hoàn toàn có thể nhân rộng ra nhiều địa phương. Thứ hai, đây là mô hình đầu tư tiết kiệm năng lượng (TKNL) kiểu mới, được thực hiện bởi các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), giúp các địa phương hoàn toàn không phải bỏ vốn đầu tư ngay từ đầu mà chỉ phải chi trả cho các công ty dịch vụ ESCO chi phí dần dần bằng một phần tiền thu được từ việc TKNL.
Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Công ty Dịch vụ Năng lượng Việt (Việt ESCO, trực thuộc Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh) – đơn vị thực hiện dự án cho biết, hiện tại, hệ thống chiếu sáng công cộng tại các thành phố lớn dùng đèn thủy ngân cao áp (MH) hoặc sodium cao cáp (HPS) chiếm tỷ lệ khá cao như Hà Nội 52%, Bắc Giang 65%, Tuyên Quang 100%, Hội An 60%, Bến Tre 83%, Rạch Giá 90%… Loại đèn này tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng chưa cao, khả năng phân bổ ánh sáng không đồng đều, tuổi thọ trung bình chỉ đạt 6.000 – 18.000 giờ, chất lượng và hiệu quả sử dụng còn rất thấp. Trong những năm trở lại đây, do tình trạng thiếu điện thường xuyên xảy ra, để giảm tiêu thụ điện, một số thành phố lớn đã phải dùng biện pháp tắt 1/3 đến 1/2 số đèn chiếu sáng công cộng, làm ảnh hưởng đến độ sáng cần thiết và an toàn trong giao thông.
Trong xu hướng chiếu sáng hiện đại, đèn Led đã được chứng minh là loại đèn có hiệu suất cao, giúp tiết kiệm điện, khả năng chiếu sáng tốt. Sử dụng đèn Led để chiếu sáng giúp tiết kiệm khoảng 72% năng lượng điện tiêu thụ, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, góp phần làm giảm lượng khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường. Không những thế, chất lượng chiếu sáng được tăng lên, đời sống người dân được cải thiện.
Hiệu quả lớn như vậy nhưng hạn chế lớn nhất của đèn Led là giá cao dẫn đến suất đầu tư lớn. Chính vì vậy, mặc dù có hiệu quả lớn nhưng nhiều địa phương mới chỉ sử dụng loại đèn này cho các hạng mục trang trí chứ chưa dùng phổ cập để chiếu sáng cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng. Riêng về điều này, ông Huỳnh Kim Tước cho hay, hiện nay, Công ty Việt ESCO đang triển khai dịch vụ cung cấp gói đầu tư cho các hạng mục TKNL, trong đó có chiếu sáng công cộng. Sử dụng dịch vụ này, các địa phương sẽ hoàn toàn không phải bỏ tiền đầu tư mà sẽ chi trả số tiền đầu tư này bằng khoản tiền thu được từ lượng điện tiết kiệm được. Dịch vụ này sẽ giúp các địa phương giảm gánh nặng chi phí, từ đó đầu tư được những hệ thống chiếu sáng hiệu quả và tiết kiệm nhất. Ngoài dự án được thực hiện tại TP. Bến Tre, thời gian tới, Việt ESCO sẽ nhân rộng các dự án chiếu sáng này ra nhiều địa phương khác trên cả nước.
Bảo Anh