Theo số liệu từ Sở Công Thương Bình Dương, toàn tỉnh có 430 DNVVN hoạt động trong 3 lĩnh vực gạch, gốm và chế biến thực phẩm. Số lượng DNVVN tại Bình Dương lớn thứ 4 trong danh sách 10 tỉnh mục tiêu của dự án LCEE, chỉ xếp sau Hà Nội, Vĩnh Long và TP. Hồ Chí Minh. |
Ngày 6-5, tại Bình Dương đã diễn ra Hội thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư Xanh (GIF) cho các DNVVN tại Bình Dương. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hội thảo được tổ chức tại 10 tỉnh thành mục tiêu của Dự án LCEE.
Ông Amarnath Reddy – Cố vấn cao cấp của dự án đã giới thiệu tổng quan về dự án LCEE đến các DN tại Bình Dương.
Được biết, dự án LCEE sẽ tiếp tục hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ với nguồn ngân sách cho Quỹ đầu tư lên tới 110 tỷ đồng. Trong năm 2015 và 2016, Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ từ 100 đến 130 DNVVN trong 3 ngành gạch, gốm và chế biến thực phẩm.
Tham gia dự án, các DN có cơ hội nhận được khoản vay trị giá từ 400 triệu đến 4 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư vào tiết kiệm năng lượng. Sau 800 giờ vận hành, DN đạt được mức tiết kiệm năng lượng và giảm lượng phát thải khí CO2 theo yêu cầu của dự án LCEE sẽ được trả thưởng từ 10 - 30% giá trị khoản vay.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Quang – Tư vấn quốc gia dự án đã trình bày và giải đáp thắc mắc của các DN về chi tiết kỹ thuật và cách thức tính mức năng lượng theo yêu cầu của dự án. Đồng thời, chuyên gia và cán bộ dự án cũng đã hỗ trợ các DN thảo luận, lên ý tưởng cho các dự án tiết kiệm năng lượng tại DN và tính toán mức chi phí đầu tư.
Hội thảo cũng ghi nhận những chia sẻ về kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng của đại diện các DN Bình Dương, cũng như cam kết hỗ trợ từ phía các Ngân hàng địa phương cho DN tham gia dự án.
Thanh Xuân