Sáng kiến có tên "Sử dụng năng lượng mặt trời, tốt hơn cho cuộc sống" được đưa ra bởi Evans Wadongo, một kỹ sư 29 tuổi, người đã từng phải hứng chịu những tác động nguy hiểm của đèn dầu khi lớn lên tại một ngôi làng phía tây Kenya. Từ khi còn nhỏ, ngồi học bài ngay cạnh một ngọn lửa đèn dầu, anh đã phải tiếp xúc với khói dầu. Điều này ảnh hưởng xấu đến hô hấp và thị lực và khiến cho anh gặp vấn đề về mắt.
Với quyết tâm tạo ra sự khác biệt, Wadongo đã thiết kế ra một chiếc đèn đơn giản với nhiên liệu thay thế là năng lượng mặt trời được gọi là MwangaBora, có nghĩa là “ánh sáng tốt đẹp”.
Chiếc đèn này xanh và sạch hơn những chiếc đèn thông thường, không những thế, nó còn giúp tiết kiệm chi phí. “Với hộ gia đình chỉ kiếm được 2 USD mỗi ngày, chi phí cho đèn dầu đã chiếm đến 30-40% thu nhập của họ. Nếu họ có thể tiết kiệm được khoản chi phí này, nó thực sự sẽ là một khác biệt lớn”, Wadongo nói.
Những chiếc đèn này được tạo ra từ kim loại phế thải có nguồn gốc từ địa phương và các mảnh vỡ của những tấm pin mặt trời, thứ có thể sạc pin đèn LED. Ngoài ra, nó còn có một cổng USB để sạc điện thoại và radio một cách dễ dàng.
Thay vì nhập khẩu công nghệ năng lượng mặt trời từ những nước sản xuất hàng loạt như Trung Quốc, một nhóm các bạn trẻ đã được đào tạo để sản xuất ra loại đèn này. Sau đó họ mang tới cho các nhóm phụ nữ - những người này dùng khoản tiền điện tiết kiệm được để thành lập các cơ sở kinh tế nhỏ như chăn nuôi gia cầm hoặc nuôi ong.
“Khi phụ nữ có được thu nhập riêng của mình, họ sẽ sử dụng chúng cho gia đình và nhờ đó cả cộng đồng sẽ được hưởng lợi”, Wadongo nói.
Nhận được giải thưởng quốc tế Seed Award vào năm 2011, loại đèn này được sử dụng rộng rãi trên toàn đất nước. Hiện nay có tới hơn 50.000 chiếc đèn MwangaBora đang được sử dụng ở Kenya.
Những chiếc đèn này đã xuất hiện tại các triển lãm gây quỹ ở New York và London, còn Wadongo được xướng danh là một trong 10 anh hùng trong bảng xếp hạng của CNN vào năm 2010. Tại Thế vận hội London 2012, anh đã được chọn là một trong bốn người rước đuốc cho Kenya.
Mặc dù nhận được những giải thưởng và có được sự tài trợ từ khắp nơi trên thế giới, Wadongo nói rằng vấn đề tài chính của dự án vẫn là một thách thức bởi tính lâu dài của nó. Giá của mỗi chiếc đèn là 25 USD, bao gồm các chi phí cho nguyên liệu, đào tạo và phân phối.
“Chúng tôi muốn chắc chắn rằng, tại mỗi cộng đồng mà chúng tôi tiếp cận, thứ chúng tôi để lại không chỉ là đèn mà còn là sự tăng trưởng trong thu nhập”.
Dự án này vừa được triển khai ở Uganda và Wadongo đang tìm cách tiếp tục mở rộng nó. “Chúng tôi vẫn có rất nhiều việc phải làm ở Kenya. Tới năm 2018, chúng tôi muốn được làm việc ở ít nhất 5 quốc gia thuộc tiểu vùng Sahara châu Phi và có hàng triệu người được hưởng lợi từ chương trình này. Cuối cùng, chúng tôi cũng muốn có thể làm được điều tương tự thậm chí là ở những nước như Nam Mỹ chẳng hạn”.
Và điều này có thể có tác động tới toàn cầu. Năng lượng mặt trời có thể giúp cứu sống con người bằng cách cắt giảm nguy cơ cháy nổ do lửa, cải thiện các triển vọng kinh tế của làng và giáo dục của người dân, cứu giúp hành tinh, theo lời Wadongo.
Wadongo cho biết thêm: “Đốt một lít dầu tức là thải ra đến 2,6kg CO2, vì thế với hơn một tỷ người trên toàn thế giới sử dụng nó mỗi ngày, bạn có thể tưởng tượng ra có biết bao nhiêu CO2 được thải ra ngoài môi trường”.
Mai Linh (Theo Guardian)