Một phương án cấp điện chong đèn thanh long vừa được Sở Công Thương đề xuất và gửi đến Văn phòng UBND tỉnh. Nếu được chấp thuận, cả tỉnh sẽ tiết kiệm được lượng điện đáng kể. Bình Thuận cuối tuần phỏng vấn ông Hồ Sơn Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, phương án cấp điện mùa chong đèn thanh long năm nay có những ưu điểm gì so với trước?
Ông Hồ Sơn Hùng: Phương án cấp điện mùa chong đèn thanh long năm 2015 cơ bản vẫn tiếp tục tiết giảm 50% công suất trạm biến áp khách hàng theo phương án trước đây. Điểm mới là, đối với khách hàng mới, nếu cam kết sử dụng 100% bóng compact cho vườn thanh long sẽ được cấp điện 100% công suất trạm biến áp; đối với khách hàng hiện có trạm biến áp dùng chong đèn thanh long (đang thực hiện tiết giảm 50% công suất trạm biến áp), nếu có nhu cầu mở rộng diện tích chong đèn mới tại khu vực và cam kết sử dụng 100% bóng compact thì có thể dùng chung trạm biến áp hiện có.
Ưu điểm của phương án mới này là giúp người dân (khách hàng) giảm được chi phí ban đầu hoặc không cần phải đầu tư trạm biến áp mới khi trạm biến áp hiện có đang sử dụng 50% công suất. Phương án còn kích thích người dân sử dụng đèn compact, tiết kiệm điện trong chong đèn thanh long để tiếp tục giải quyết tình hình thiếu điện hiện nay…
Có ý kiến cho rằng, bóng compact cho ánh sáng vàng, không sinh nhiệt nên không đủ lượng điện để cây ra nhiều nụ, chi phí lại gấp nhiều lần so bóng đèn tròn (đèn tròn 5.000 đồng/ bóng, compact gần 40.000 đồng/bóng, dễ bị trộm). Theo ông, liệu phương án cấp điện trên có sức hấp dẫn người trồng thanh long?
Ông Hồ Sơn Hùng: Phương án cấp điện chong đèn thanh long năm 2015 được xem xét, xây dựng trên cơ sở hiệu quả thực tế từ việc sử dụng bóng đèn compact chong đèn thanh long (thay cho bóng đèn sợi đốt) của các hộ dân trồng thanh long trong thời gian qua. Theo thống kê sơ bộ, tại huyện Hàm Thuận Bắc hiện có trên 85% số hộ trồng thanh long sử dụng đèn compact để chong đèn và tại huyện Hàm Thuận Nam có trên 50%. Tuy chi phí bóng đèn compact có cao hơn bóng đèn sợi đốt nhưng bóng compact có tuổi thọ cao hơn bóng đèn sợi đốt. Sử dụng bóng compact sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn như: Giảm chi phí đầu tư ban đầu (công suất bóng đèn compact thấp dẫn đến công suất trạm biến áp cần đầu tư sẽ thấp và giá thành sẽ thấp hơn so với sử dụng bóng sợi đốt trên cùng diện tích thanh long), giảm đáng kể chi phí điện hàng tháng, giải quyết tình hình thiếu điện hiện nay, đảm bảo hài hòa lợi ích xã hội. Do đèn sợi đốt có nhiệt độ cao nên việc chong đèn compact cũng giúp cải thiện tình trạng khô dây hay cây thanh long ra quá nhiều hoa phải lặt bỏ.
Phương án cấp điện chong đèn thanh long năm 2015 mang tính tự nguyện. Tuy nhiên để có sức hấp dẫn, thu hút người trồng thanh long tích cực hưởng ứng thì trong quá trình triển khai thực hiện, cần phải hướng dẫn, tư vấn cụ thể để người trồng thanh long hiểu và thấy được lợi ích từ việc thực hiện theo các nội dung phương án đã đề ra.
Ông có thể tính con số cụ thể sẽ tiết kiệm được một lượng điện bao nhiêu trong mùa chong thanh long năm nay và sẽ có thêm bao nhiêu hộ dân được hạ bình?
Ông Hồ Sơn Hùng: Đến nay, số lượng đèn compact thay thế cho đèn sợi đốt dùng để thắp sáng thanh long là 7 triệu bóng đèn, góp phần giảm công suất đỉnh là 280MW, ước giảm đầu tư nguồn điện và lưới điện khoảng 1.267 tỷ đồng, giảm phát thải khí cacbonic ra môi trường hơn 65.700 tấn/năm. Trong năm 2014, ước tính việc sử dụng bóng đèn compact để chong đèn thanh long mùa trái vụ đã tiết kiệm khoảng 210 tỷ đồng tiền điện. Năm 2015, việc tiết kiệm điện trong chong đèn thanh long dự báo cũng sẽ đạt xấp xỉ năm 2014. Riêng đối với việc xác định cụ thể số tiền mà người dân bỏ ra lắp đặt trạm biến áp trong năm 2015 là chưa thể dự báo trước được, vì điều này phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng điện sản xuất của người dân trồng thanh long, nhất là trong tình hình giá cả thanh long chưa có sự ổn định.
Xin cảm ơn ông!
Báo Bình Thuận