Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, ngành điện Tiền Giang đã tiết kiệm hơn 16 triệu KWh điện, đạt 2,45% điện thương phẩm. Điều đáng nói là không chỉ các doanh nghiệp mà hiện nay nhiều người dân của tỉnh Tiền Giang đã ý thức được việc tiết kiệm điện không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho gia đình mà còn đóng góp lớn cho việc tiết kiệm ngân sách quốc gia và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, chương trình “Ấp văn hóa – khu phố văn hóa tiết kiệm điện” là một trong những mô hình thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tỉnh Tiền Giang tham gia hưởng ứng. Đơn cử như hộ gia đình ông Cao Xuân Phong, ấp Tân Tiến A, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Ông Phong cho biết, hiện nay gia đình ông có 4 người, với các thiết bị điện đầy đủ như đèn chiếu sáng, máy lạnh, tủ lạnh, quạt máy, ti vi, và nuôi khoảng 200 con gà. Vài năm trước, tháng nào gia đình ông phải trả 120 nghìn đồng tiền điện, song từ khi nắm bắt được các giải pháp tiết kiệm điện từ các chương trình truyền thông của điện lực Tiền Giang, ông Phong đã thực hiện triệt để tại gia đình với những cách làm đơn giản như: thay vì ấp gà bằng bóng đèn sợi đốt thì ông chuyển sang dùng đèn compact, tắt hết các thiết bị khi không sử dụng, máy lạnh chỉ dùng khi thật cần thiết. Với cách làm này giờ đây chi phí tiền điện mỗi tháng của gia đình chỉ còn 70 nghìn đồng. Không chỉ thực hiện tại gia đình, ông Phong còn là thành viên tích cực trong việc tuyên truyền cho bà con trong ấp nâng cao ý thức sử dụng điện.
Ông Phong cho biết: “Từ mô hình tiết kiệm điện của gia đình, tôi đã vận động những hộ gia đình xung quanh cùng thực hiện. Bước đầu khi tôi thực hiện mọi chưa hiểu rõ về tiết kiệm điện là như thế nào, một số hộ dân còn nghĩ là tiết kiệm điện là không xài điện. Nhưng qua cuộc vận động thì người ta thấy là tiết kiệm điện nghĩa là hạn chế lại, chỉ xài đúng những gì cần xài, như máy lạnh nên mở vào thời điểm nào, tủ lạnh thì mình hạn hạn chế đóng ra, đóng vô nhiều lần… Hiện nay, mọi người đã nắm rõ nên việc tiết kiệm điện ở đây rất hiệu quả”.
Tại Công ty thủy sản An Phát, trong Khu công nghiệp Mỹ Tho, từ năm 2011 đến nay, các giải pháp tiết kiệm điện cũng được lãnh đạo doanh nghiệp đặt lên hàng đầu trong bài toán giảm chi phí sản xuất. Hiện nay bình quân mỗi tháng Công ty phải trả khoảng 900 triệu đồng tiền điện cho gần 7 triệu Khw. Chính vì sản lượng tiêu thụ điện lớn nên bài toán tiết kiệm điện luôn được công ty quan tâm.
Ông Mai Văn Thanh, Trưởng phòng cơ điện Công ty An Phát cho biết, từ năm 2014 đến nay, công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm điện, trong đó có giải pháp tận dụng nguồn nhiệt thải của hệ thống lạnh thải ra để để đun nóng nước vệ sinh thiết bị thay vì dùng dầu DO để sản xuất nước nóng.
Với giải pháp này, cùng với việc tiết kiệm trong việc sử dụng các thiết bị dùng điện trong nhà máy, năm 2014 Công ty đã tiết kiệm gần 15% sản lượng điện tiêu thụ, tương đương 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí điện năng chiếm 5% giá thành sản phẩm nên việc tiết kiệm điện đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của công ty.
Ông Mai Văn Thanh nói: “Công ty có một đội ngũ quản lý năng lượng để kiểm soát, hướng dẫn ý thức cho mỗi người công nhân để họ biết được tiết kiệm năng lượng đã mang lại hiệu quả giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, rồi tránh lãng phí nguồn tài nguyên của quốc gia. Cái nữa là việc tận dụng điện của chúng tôi như vậy sẽ làm giảm phát thải khí độc ra môi trường”.
Nhận thức rõ vai trò của ngành điện trong việc phổ biến tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi khách hàng, người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, những năm qua, Công ty Điện lực Tiền Giang đã tổ chức nhiều chương trình như:“Ấp văn hóa- khu phố văn hóa tiết kiệm điện”, cuộc thi bình chọn Doanh nghiệp và giải pháp tiết kiệm năng lượng”, ‘Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện”, Ngày hội tiết kiệm điện, tập huấn kỹ năng tuyên truyền tiết kiệm điện cho các bộ Hội phụ nữ và các đoàn thể, vận động người dân chuyển sang dùng các sản phẩm tiết kiệm điện…
Từ những mô hình này đã giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng điện, cũng như biết cách tận dụng mọi nguồn năng lượng tự nhiên trong cuộc sống để giảm tải việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, góp phần tiết kiệm chi phí cho gia đình, bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Trong thời gian tới, việc phối hợp giữa ngành điện với Sở công thương và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng như doanh nghiệp sẽ được điện lực Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh để chương trình tiết kiệm điện ngày càng đạt hiệu quả.
Ông Tân Lê Minh An- Trưởng phòng kiểm tra, giám sát, mua bán điện Công ty Điện lực Tiền Giang nói: “Ngoài biện pháp truyền thống thì thời gian tới chúng tôi cũng đẩy mạnh truyền thông như: phối hợp các tỉnh đoàn sẽ tổ chức các cuộc thi về khu phố tiết kiệm điện, thanh thiếu niên tại các trường học tiết kiệm điện, hay hội phụ nữ,hội nông dân tiết kiệm điện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh phát tờ rơi, kêu gọi trong cộng đồng, trước mắt là doanh nghiệp để họ tự giác. Về phía doanh nghiệp trên địa bàn họ rất kỹ trong tính toán lợi nhuận và họ rất quan tâm đến tiết kiệm điện. Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng phối hợp với Trung tâm năng lượng tỉnh để đề xuất, tính toán kiểm toán năng lượng sao cho hiệu quả”.
Có thể nói rằng, hiệu quả trong công tác tiết kiệm điện được xuất phát từ các mô hình tiết kiệm điện, từ đó tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân để có những hành động thiết thực, cụ thể. Cũng nhờ việc đồng bộ triển khai công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện ở các sở ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, trong 4 tháng đầu năm nay, ngành điện Tiền Giang đã tiết kiệm hơn 16 triệu KWh điện, đạt 2,45% điện thương phẩm, tạo đà cho việc hoàn thành và vượt chỉ tiêu tiết kiệm điện của Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao cả năm là 2,15%.
Theo VOV.vn