Tận dụng triệt để việc thu hồi nhiệt lượng để sản xuất điện và sử dụng phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm có ích khác, vừa là giải pháp xử lý chất thải nguy hại, tăng hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều lãng phí về chất thải, rác thải cần có cơ chế, chính sách để phát triển.
Lãng phí nguồn thải
Sản xuất công nghiệp, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường, nhất là các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, xi măng… đều sử dụng nhiều than, dầu, ga hoặc điện. Tuy nhiên, lượng nhiên liệu thật sự hữu ích thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số nhiên liệu bị đốt cháy, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Đơn cử, ngành công nghiệp xi măng, để sản xuất ra một tấn clinker theo công nghệ lò nung tiên tiến phải tiêu tốn hơn 100kg than tiêu chuẩn, thải ra ngoài tới 2.800 m3 khí thải, với nồng độ bụi trung bình 50 mg/Nm3 gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính. Để sản xuất ra một tấn xi măng phải tiêu tốn khoảng 100 kwh điện. Trong khi đó, phần nhiệt thật sự góp phần tạo thành sản phẩm thường chỉ chiếm từ 5% - 30%. Phần lớn nhiệt năng còn lại đi theo khí thải, nước thải… và thoát ra môi trường, làm ô nhiễm môi trường. Các chuyên gia môi trường cho rằng, nếu tận dụng triệt để nhiệt lượng sinh ra từ các quá trình đốt, cùng các chất khí độc hại do sản xuất công nghiệp sinh ra có thể giảm từ 50% - 80%. Với các thiết bị thu hồi nhiệt hiện đại người ta có thể tận dụng hầu hết nhiệt năng thải ra để đưa trở lại quá trình sản xuất. Xỉ thải từ sản xuất thép cũng là nguồn nguyên liệu có thể tái sử dụng trong một số lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.
Đối với rác thải, thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, chất thải rắn đô thị phát sinh hiện nay khoảng 11,5 triệu tấn/năm, chiếm phân nửa lượng rác thải cả nước. Dự báo đến năm 2020, lượng chất thải rắn đô thị tăng lên 30 triệu tấn/năm và năm 2025 là 40 triệu tấn/năm. Thế nhưng, chỉ có 26 nhà máy xử lý rác tập trung tại các đô thị với tổng công suất thiết kế trên 6.000 tấn/ngày. Như vậy, chỉ 20% lượng rác thải đô thị được thu gom, xử lý đúng nghĩa. Chỉ tính riêng TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra ngót chục ngàn tấn rác thải sinh hoạt và con số này đang gia tăng với mức tăng trung bình, năm sau cao hơn năm trước 10%. Trong số rác này, có đến hơn 80% là rác thực phẩm, loại rác có thể sản xuất phân compost chất lượng cao, nhưng, nguồn tài nguyên ấy lại đang bị lãng phí bởi hầu hết chúng vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Lợi ích từ tái chế
Nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một cao hơn, trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch trở nên khan hiếm,. Do đó, việc quan tâm đầu tư cho lĩnh vực môi trường, nhất là áp dụng công nghệ các thu gom, tái chế, sử dụng lại nguồn nhiệt thải là cấp thiết. Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng TP. Hồ Chí Minh Phan Phùng Sanh, tro bay là một chất liệu tuyệt vời để làm vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, trong công nghệ sản xuất gạch không nung, nếu sử dụng phụ gia tro bay có thể làm giảm lượng xi-măng, nhất là công nghệ bê-tông đầm lăn không thể thiếu phụ gia này. Các nhà nghiên cứu về vật liệu xây dựng cho biết, sản xuất xi-măng xỉ không chỉ giải quyết rác thải từ luyện thép mà còn có thể giảm phát thải CO2.
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương tiên phong trong hoạt động xử lý và tái chế chất thải sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục nhà máy quy mô để xử lý và tái chế chất thải. Nhà máy Xử lý chất thải lỏng của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam là một trong 2 nhà máy đầu tiên của Việt Nam ứng dụng công nghệ xử lý và tái chế chất thải lỏng thành phân vi sinh phục vụ cho ngành nông nghiệp. Công trình có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng với công suất xử lý 300 m3/ngày. Dự án Công nghệ xử lý xỉ thép thành vật liệu xây dựng của Công ty Vật liệu Xanh có công suất 1.000 tấn/ngày được coi là dự án đầu tiên về tái chế xỉ thép tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và thông qua. Sản phẩm xỉ thép sau khi được xử lý bằng công nghệ do Công ty TNHH Vật liệu Xanh áp dụng có thể sử dụng để sản xuất gạch không nung, vật liệu san lấp không ảnh hưởng đến môi trường.
Đối với việc luyện thép nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư công nghệ thu hồi nhiệt để sản xuất điện và vật liệu xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty CP Năng lượng Hòa Phát khi xây dựng nhà máy luyện than cốc phục vụ cho luyện thép đã lựa chọn công nghệ sản xuất cốc có thu hồi nhiệt để sản xuất điện, với sản lượng than cốc 700.000 tấn/năm, Công ty đã đầu tư nhà máy nhiệt điện cung cấp mỗi năm khoảng 200 triệu kWh điện thương phẩm, đáp ứng 30% nhu cầu điện công ty.
Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tái sử dụng chất thải như: Quyết định 2149 phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 với mục tiêu là mỗi năm sử dụng từ 15 đến 20 triệu tấn phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, tiết kiệm hàng nghìn ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng còn cần những chính sách, sự hỗ trợ về vốn để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, rác thải.
Theo Tạp Chí Công Thương