Với tốc độ phát triển của kinh tế Hải Phòng và nhu cầu tiêu thụ năng lượng hiện nay, nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cao các nguồn năng lượng truyền thống, việc ứng dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là yêu cầu cần thiết để phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ đời sống” do Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng tổ chức, ông Phạm Văn Duy, Phó giám đốc Trung tâm năng lượng mới và tái tạo Việt Nam cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 2.000-2.500 giờ nắng, với mức chiếu nắng trung bình khoảng 150kCal/cm2, tương đương khoảng 43,9 triệu tấn dầu quy đổi/năm. Trong khi đó năng lượng gió cũng khá hấp dẫn, có thể đạt công suất phát điện khoảng 800-1.400 kwh/ m2/năm trên đất liền. Năng lượng sinh khối quy đổi vào khoảng 43-46 triệu tấn dầu trong đó 60% từ các phế phẩm gỗ và 4% từ phế phẩm nông nghiệp.
Riêng vùng đồng bằng sông Hồng, nơi vốn bị hạn chế về nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời bởi yếu tố khí hậu thì các nghiên cứu cho thấy năng lượng địa nhiệt lại tương đối ấn tượng. Theo nhóm nghiên cứu gồm Viện Địa chất (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), các dấu hiệu địa nhiệt khá phong phú, gồm bồn địa nhiệt vùng Đông Nam-Tây Bắc, với nhiệt độ đạt tới 160 độC tại độ sâu 4km (có khả năng sinh điện vào khoảng 1,16% tổng sản lượng điện của Việt Nam sản xuất năm 2006), đới địa nhiệt đứt gãy Sông Lô-Vĩnh Ninh có nhiệt độ trung bình khoảng 114 độC, các nguồn nước địa nhiệt 40-50 độC ở cácđiểm thuộc các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, tỉnh Hải Dương…
Mặc dù tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam dồi dào, nhưng việc ứng dụng công nghệ sử dụng nguồn năng lượng này còn hạn chế do chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển; chính sách khuyến khích hỗ trợ còn thiếu và chưa đủ mạnh; chưa làm chủ công nghệ và thiết bị khai thác năng lượng tái tạo.
Cơ hội phát triển sạch của Hải Phòng
Theo Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ Hải Phòng Nguyễn Hoài Lâm, Hải Phòng có nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng khai thác như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt…Thành phố có nghị quyết, chương trình nâng cao hiệu suất năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đồng thời Thành ủy, HĐND có nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ, trong đó nêu rõ “nghiên cứu sử dụng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống các nguồn năng lượng tự nhiên như năng lượng mặt trời, sức gió, sóng biển…”.
Theo tiến sĩ Ngô Tuấn Kiệt, Viện Khoa học năng lượng Việt Nam, với những tiềm năng và phương hướng nêu trên, Hải Phòng có thể đầu tư nghiên cứu, triển khai các giải pháp khai thác hiệu quả cao nguồn điện mặt trời, điện gió, sinh khối… bằng các thiết bị công nghệ phù hợp, dần thay thế năng lượng truyền thống. Trong đó, một số công nghệ hữu ích có thể ứng dụng ngay như điện mặt trời nối lưới, công nghệ điện gió, công nghệ năng lượng sinh khối, bơm nhiệt. Theo tiến sĩ Ngô Tuấn Kiệt, công nghệ bơm nhiệt từ nơi có nhiệt độ thấp đến nơi có nhiệt độ cao có thể ứng dụng trong gia đình, đơn vị, doanh nghiệp. Với công nghệ này, vừa cấp lạnh cho điều hòa không khí vừa cấp nhiệt phục vụ nhu cầu sưởi ấm, tắm, giặt là. Công nghệ này có thể sử dụng nguồn nhiệt khác nhau từ không khí, nước ao, hồ, nhiệt đất… Công nghệ bơm nhiệt còn ứng dụng để sấy sản phẩm nông nghiệp, sản xuất đá viên sạch kết hợp cung cấp nước nóng cho sản xuất và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Hải Phòng có thể khai thác các nguồn sinh khối từ gỗ năng lượng, phế thải-phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Một trong những công nghệ đang được ứng dụng phổ biến là hầm biogas, vừa giải quyết nhu cầu chất đốt trong gia đình, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống. Ưu điểm của công nghệ này là chi phí đầu tư thấp, hiệu quả sử dụng lâu dài, an toàn, thích hợp với người dân, nhất là khu vực nông thôn.
Để sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả, theo kiến nghị của nhiều nhà khoa học, Hải Phòng xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn năng lượng này. Đồng thời đầu tư nghiên cứu, triển khai các giải pháp khai thác điện mặt trời, điện gió, sinh khối quy mô nhỏ, phân tán bằng các thiết bị công nghệ phù hợp. Thành phố có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và dân sinh, góp phần tiết kiệm năng lượng truyền thống, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, sạch, bền vững.
Theo Báo Hải Phòng