Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là yếu tố trụ cột tạo nền móng cho cho tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, Việt Nam xác định không tăng trưởng kinh tế nhanh bằng mọi giá mà tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Năng lượng vừa là ngành kết cấu hạ tầng vừa là ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đứng trong số các nước hàng đầu có tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Sử dụng nặng lượng sạch, năng lượng tái tạo là sử dụng các nguồn tài nguyên bản địa để cung cấp năng lượng hiệu quả cho nền kinh tế và giảm năng lượng nhập khẩu và giảm mức tiêu thụ năng lượng hoá thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Trong 4 chủ đề tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng xanh được đặt lên hàng đầu, theo đó chuyển dần khai thác sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng có khả năng tái tạo, giải pháp sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, ứng dụng và phát huy công nghệ sản xuất mới dựa trên sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch.
Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có nhiều thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng sạch từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải… Một số tổ chức, quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam với quy mô lớn.
Trên thực tế, Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá, khảo sát một số nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được coi là tiềm năng ở Việt Nam và đã xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển bằng nhiều hình thức, đơn cử như điện gió, biomas…
Nói về vấn đề này,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, để phát triển bền vững nguồn năng lượng quốc gia, Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội khai thác các nguồn năng lượng tái tạo bằng cách đầu tư mạnh vào nghiên cứu và triển khai, lồng ghép và tích hợp việc cung ứng điện thông qua các nguồn năng lượng, tranh thủ các tiến bộ KHCN để việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng này hiệu quả hơn.
TS Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục thiên nhiên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khuyến nghị, trong ngắn hạn, cần có thông tư, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan đến lĩnh vực năng lượng, tiêu chuẩn, dán nhãn hiệu suất năng lượng, áp phí dán nhãn hiệu suất năng lượng… Trong trung hạn, cần xây dựng luật về năng lượng tái tạo, quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo; quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng gió, chuyển chất thải rắn thành năng lượng, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối.
Các nhà đầu tư mong muốn có hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, cụ thể về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để họ an tâm mạnh dạn rót vốn triển khai. Bên cạnh đó, cần đưa ra cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích sử dụng; có chính sách trợ giá, giảm thuế để giảm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này; đầu tư đổi mới công nghệ đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng và tiết kiệm năng lượng.
Để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, Việt Nam cần có cơ chế tài chính và chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xanh.
Nhằm huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ông Hồ Công Hòa, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW đề xuất: “Cần mở rộng hợp tác công tư trong phát triển năng lượng tái tạo. Phương thức này sẽ góp phần tăng tính khả thi, giảm rủi ro cũng như tối ưu hóa vòng đời của dự án; hạn chế độc quyền trong cung ứng dịch vụ; thu hút được vốn, công nghệ và kỹ năng quản trị của khối tư nhân; chia sẻ lợi ích và rủi ro cho các bên theo cơ chế đồng thuận”.
Theo congluan.vn