Ngày 30/9, tại TPHCM diễn ra Hội thảo về Dự án "Đề án cải tiến biểu giá bán lẻ điện". Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết nguyên tắc cải tiến biểu giá điện mới là sắp xếp lại biểu giá điện nhưng không làm tăng giá điện bình quân, không tăng doanh thu cho ngành điện (vẫn 1.622kWh/h bình quân giữa các nhóm đối tượng).
EVN nói rằng việc sắp xếp biểu giá điện mới sẽ không làm tăng giá điện, không làm tăng doanh thu cho ngành điện..., và đây là các nguyên tắc được EVN căn cứ để soạn thảo biểu giá điện sinh hoạt áp dụng trong giai đoạn 2016 - 2017. Đây là lần hội thảo lấy ý kiến cho đề án biểu giá điện lần thứ 3 sau hai hội thảo lần trước diễn ra tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng biểu giá bán lẻ điện mới, Việt Nam vẫn đang sản xuất điện chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí và chưa có nhiều nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay cung không đáp ứng được cầu (còn phải mua điện nước ngoài) nên cần phải điều tiết lượng điện sử dụng đảm bảo tiết kiệm, hợp lý tránh lãng phí.
Ông Thỏa cho rằng nguyên tắc cải tiến biểu giá điện mới là sắp xếp lại biểu giá điện nhưng không làm tăng giá điện bình quân, không tăng doanh thu cho ngành điện (bình quân biểu giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh và bình quân giá bán lẻ điện tính chung của cả bốn nhóm đối tượng sinh hoạt, sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ vẫn là 1.622 đồng/kWh không thay đổi).
Ông Thỏa khẳng định: "Cải tiến giá điện thì giá bán lẻ điện bình quân vẫn không thay đổi. Cải tiến biểu giá điện chỉ nhằm giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng, giảm xáo trộn giữa các nhóm khách hàng và đảm bảo cân bằng lợi ích của cả nhà nước, người sản xuất điện và người tiêu dùng. Bố trí giá điện theo nguyên tắc dùng ít trả tiền ít, dùng nhiều trả tiền nhiều, đảm bảo mọi người dân, người nghèo, người thu nhập cao đều tiếp cận được điện".
Tại sao điện sẽ phải càng dùng nhiều càng đắt? Ông Thỏa giải thích thêm rằng đa số các loại hàng hóa khác khi cung thừa so với cầu thì người ta giảm giá để khuyến khích tăng lượng bán ra, nhưng nguồn cung điện ở Việt Nam còn thiếu so với nhu cầu. Hơn nữa, điện đang sản xuất từ các nguồn tài nguyên vốn đang có nguy cơ cạn kiệt dần nên buộc phải có biểu giá điện mới theo hướng khuyến khích sử dụng tiết kiệm hiệu quả, đây là làm theo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới chứ Việt Nam không tự nghĩ ra.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện điện sinh hoạt chiếm 29% tổng sản lượng điện tiêu thụ cả nước. Trong đó các hộ dùng dưới 50 kWh chiếm 11%, các hộ dùng trên 400 kWh mỗi tháng chiếm 2% ...
Góp ý tại hội thảo chiều nay, ông Dương Văn Nhân từ Hội Nông dân TPHCM cho biết, lĩnh vực điện được nông dân quan tâm nhiều nhưng người hiểu về giá điện rất ít và hiện tại do có nhiều bậc thang nên người sử dụng không kiểm tra được. Ông Nhân đề xuất nếu một hộ tiêu thụ dưới 100 kWh thì nên đưa vào nhóm bậc 1 (hiện nay bậc này là dưới 50 kWh/tháng), đồng thời miễn tiền điện cho hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng và tăng giá điện cho nhóm sử dụng trên 200 – 300 kWh/tháng để bù lại.
Từ nay đến tháng 6-2016 sẽ không tăng giá điện
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, nói tại hội thảo chiều nay rằng công suất lắp đặt ngành điện cả nước hiện nay khoảng 35.000 MW. Khu vực miền Bắc cấp điện luôn tốt và ổn định, nhưng khu vực miền Nam điện còn căng thẳng. Khi 21 triệu khách hàng cùng sử dụng (9 – 11 giờ sáng và 17 – 20 giờ) thì phải huy động công suất tối đa.
“Trước hội thảo lấy ý kiến thì đa phần mọi người muốn áp dụng một giá điện, sau đó nhiều người lại có ý kiến cần tiếp tục áp dụng giá bậc thang để tiết kiệm điện. Chung quy lại thì tôi thấy đưa về 3 – 4 bậc là phù hợp với 4 nhóm khách hàng gồm người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, thu nhập cao và thu nhập rất cao. Có nhiều ý kiến băn khoăn về giá điện sắp tới, tôi xin nói là từ nay đến cuối năm 2015 và cả 6 tháng đầu năm 2016 sẽ không tăng giá điện," ông Tri khẳng định.
Giá nhiên liệu giảm không bù nổi chênh lệch tỉ giá
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online về giá nhiên liệu sản xuất điện giảm gần đây có làm giảm giá thành điện cũng như giá bán điện đến tay người dùng ra sao, ông Tri cho biết thời gian gần đây giá khí có giảm do giá dầu FO giảm nhưng vẫn chưa đủ bù vào phần chênh lệch tỉ giá bởi tính riêng 85% vốn của EVN vay xây dựng các nhà máy nhiệt điện là vay nước ngoài, chưa kể dự án nhà máy điện của các ngành khác.
Cũng theo ông Tri, hiện ngành điện vẫn còn nhiều áp lực về đầu tư như giảm tỉ lệ tổn thất điện năng từ mức 8% xuống còn 5% vào năm 2020. Chưa kể hiện nay 98% hộ dân nông thôn đã có điện lưới quốc gia và ngành điện cần khoảng 33.000 tỉ đồng để đầu tư cung cấp điện cho 2% hộ dân nông thôn còn lại. Tổng nhu cầu vốn đầu tư của EVN cho cả nguồn lẫn lưới điện mỗi năm mất 5 tỉ đô la Mỹ và con số cần thời gian tới cũng lên đến hàng chục tỉ đô/năm.
Tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn và sẽ tạo sức ép tăng giá điện cũng rất lớn. Tuy nhiên, nguyên tắc là biểu giá điện sẽ được kiểm toán hàng năm, nếu lỗ do EVN mua điện giá cao, chi phí sản xuất điện tăng cao mà tài chính không cân đối được thì EVN mới báo cáo điều chỉnh giá điện.
Hiện trong cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam thì thủy điện chiếm 35 - 40%, điện khí chiếm 30% và nhiệt điện than chiếm 30%. Hiện giá than, giá khí là nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện đã theo giá thị trường thế giới và thời gian gần đây giá than, giá khí có sự giảm liên tục.
Theo EVN, bốn yếu tố tác động đến giá điện gồm cơ cấu nguồn điện huy động, giá nhiên liệu, chi phí mua điện, tỉ giá. Nếu tất cả bốn yếu tố này tăng trên 7% thì mới xem xét tăng giá điện và thời gian xem xét là 6 tháng.
Nghiêng về kịch bản 5 của phương án 3 Tóm tắt 3 phương án biểu giá điện mới gồm: Phương án 1 là giữ nguyên giá điện theo 6 bậc thang như hiện nay; phương án 2 là bán điện đồng giá 1.747 đồng/kWh (đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành); phương án 3 rút từ 6 bậc xuống còn 3-4 bậc thang với năm kịch bản khác nhau nhưng giá điện sinh hoạt bình quân cũng sẽ là 1.747 đồng/kWh. Theo số liệu của EVN, trong năm 2014, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt mỗi tháng từ 50 kWh trở xuống chiếm 21,79%, sử dụng từ 51-100 kWh chiếm 25,02%, từ 100-150 kWh chiếm 20,82%, từ 150-200 kWh chiếm 12,81%, từ 200-300 kWh chiếm gần 11%. Nhóm các hộ sử dụng điện nhiều từ 300 kWh trở lên chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ gần 9%. Sau khi đưa ra lấy ý kiến, EVN cho biết đến nay phương án 2 có nhiều người đồng ý nhưng cũng có người chê, đặc biệt là phương án đồng giá thì dễ áp dụng, nhưng khi chuyển từ 6 bậc về một giá thì nhóm người sử dụng ít điện chịu tiền điện tăng (tăng 14%) nhưng hộ sử dụng 300 kWh trở lên lại giảm giá (mức giảm nhiều nhất là 33% đối với nhóm sử dụng trên 500 kWh). Phương án 3 rút từ 6 bậc hiện nay xuống còn 4 bậc (theo 5 kịch bản) với mục tiêu khắc phục được hầu hết các nhược điểm của phương án 1 và phương án 2 dựa trên kết quả điều tra các hộ sử dụng điện trong hai năm 2013 và 2014. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, dù có đưa ra 10 phương án vẫn khó có phương án nào thỏa mãn hết các yêu cầu mọi người. Tuy nhiên, vẫn phải lựa chọn theo số đông. Không nên chọn phương án 1 bởi nhiều nhược điểm, phương án 2 đồng giá thì khó làm được bài toán đặt ra là không được điều chỉnh tăng giá điện bình quân và cung điện vẫn không đủ cầu và nhà nước phải bỏ nhiều tiền để trợ cấp cho người nghèo. Do vậy kịch bản 5 của phương án 3 có vẻ khả quan hơn các phương án khác. EVN cho biết với tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2015 thì dù áp dụng phương án nào doanh thu của EVN vẫn không thay đổi. Theo quy trình thì sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, EVN sẽ trình Đề án án cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt này lên Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 tới và dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2016. |
Yến Lê (Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn)