Sáng ngày 27/11/2015, tại Trung tâm Việt Đức, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hội thảo “trình bày kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mẫu thử và triển khai sử dụng Bếp khí hóa sinh khối hiệu suất cao sử dụng nhiên liệu viên nén sinh khối” đã được Trung tâm nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) tổ chức.
Tham dự hội thảo có đại diện của Trung tâm nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững; đại diện của dự án chuyển hóa các-bon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tổ chức bảo tồn thiên nhiên.
Đại diện của Trung tâm CCS trình bày kết quả nghiên cứu và triển khai dự án bếp khí hóa
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, hàng năm có 1,5 triệu người chết và nhiều người mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc đun nấu và sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, tiềm năng sản xuất viên nhiên liệu sinh khối chưa được khai thác hiệu quả. Hơn nữa, người tiêu dùng lại có xu hướng sử dụng bếp bền, giá rẻ, chi phí vận hành thấp, an toàn và thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, giải pháp bếp khí hóa sinh khối đã được Trung tâm CCS nghiên cứu, triển khai sử dụng thử nghiệm ở Hà Giang, Đà Nẵng và Ba Vì (Hà Nội) và thu được các kết quả tích cực về mặt tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội.
Loại bếp khí hóa sinh khối có chi phí đun nấu rẻ (1.500 đồng cho một bữa ăn gia đình) nhờ hiệu suất cao, gấp 10 lần so với cách đun nấu truyền thống, dễ sử dụng với tuổi thọ các chi tiết lên tới 10 năm. Phụ phẩm của loại bếp này là than sinh học có giá trị cao, được dùng để cải tạo đất và lọc nước. Nhiên liệu sử dụng gọn nhẹ, dễ mua và dễ cất trữ. Đồng thời, loại bếp này rất sạch và an toàn cho sức khỏe của người sử dụng do không tạo ra mùi, không cháy nổ, không bỏng và giật điện.
Ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng nhóm Công nghệ và Năng lượng Tái tạo, Trung tâm CCS giải thích quá trình hoạt động của bếp khí hóa sinh khối
Loại bếp khí hóa sinh khối đem lại hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường do sử dụng các viên nhiên liệu được làm bằng các phế phẩm nông nghiệp và rừng, giảm thải trực tiếp ra môi trường như đốt bỏ hoặc phân hủy tự nhiên ra khí metan (gây ra hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần CO2). Việc sử dụng loại bếp này giảm thiểu ô nhiễm trong nhà do khói bếp và các loại nhiên liệu rắn, đồng thời cải thiện môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng. Hơn nữa, một hệ sinh thái về bếp khí hóa sinh khối bao gồm sản xuất, bảo dưỡng bếp, sản xuất phân phối viên nhiên liệu, thu gom than sinh học, … sẽ tạo ra rất nhiều việc làm.
Tuy nhiên, việc triển khai dự án bếp khí hóa sinh khối và nhân rộng sản phẩm này trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn và rào cản. Ông Nguyễn Minh Hải – Trưởng nhóm Công nghệ và Năng lượng tái tạo của Trung tâm CCS cho biết một số khó khăn của việc nhân rộng mô hình bếp này là nhận thức của cộng đồng về công nghệ khí hóa sinh khối còn hạn chế; thứ hai, hệ sinh thái về sản phẩm này hoàn toàn mới trên thị trường và việc đồng bộ triển khai các bộ phận của hệ sinh thái này trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
Cũng tại buổi hội thảo này, đại diện của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ đã đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc sản xuất và sử dụng loại bếp này, góp phần hoàn thiện việc nghiên cứu và triển khai của dự án bếp khí hóa sinh khối.
Giải pháp bếp khí hóa sinh khối đã tạo ra tiền đề và cơ sở công nghệ cho sự dịch chuyển xã hội từ cách thức đun nấu gây ô nhiễm, có hại cho sức khỏe sang sử dụng năng lượng Xanh và Sạch với chi phí thấp hơn năng lượng hóa thạch trong tương lai gần.
Ngọc Ánh