Gần 100 hộ dân tại huyện A Lưới (Huế) và 500 người dân tại huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã có cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch đến từ ý tưởng lọc nước bằng ánh sáng mặt trời (phương pháp SODIS).
Gần 100 hộ dân tại huyện A Lưới (Huế) và 500 người dân tại huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã có cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch đến từ ý tưởng lọc nước bằng ánh sáng mặt trời (phương pháp SODIS).
Đây là phương pháp dùng nguồn năng lượng tự nhiên - ánh sáng Mặt trời với cường độ phù hợp để lọc vi sinh vật có hại trong nước, vừa tiết kiệm về mặt kinh tế và bền vững về mặt môi trường, góp phần bảo vệ hệ tiêu hóa và sức khỏe cho cộng đồng. Đây là 2 trong 6 ý tưởng xuất sắc tại cuộc thi sáng tạo ý tưởng “Mùa hè nước” 2015 của Hội Sinh viên Khoa Môi trường đến từ Đại học Khoa học Huế và nhóm Thế hệ ưu tú đến từ TP Hồ Chí Minh.
Xây dựng bể lọc cho 500 người sử dụng
Cả hai dự án đều chọn nguồn năng lượng tự nhiên, bền vững và tiết kiệm để nghiên cứu. Thôn Ú và thôn Gia Hoa, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận là nơi nhóm Thế hệ ưu tú triển khai dự án của mình. Sau khi khảo sát nguồn nước người dân sử dụng, nhóm tiến hành lắp đặt và xây dựng bể lọc để cung cấp nước hợp vệ sinh, an toàn cho hệ tiêu hóa và sức khỏe cho hơn 500 người dân tại đây.
Người dân sử dụng nguồn nước từ vể lọc mới xây dựng.
Qua 7 ngày thi công, hệ thống bể lọc nước sạch gồm 1 bể lọc nước có kích thước 300x200x120 cm đã hoàn thành. Phía trong của bể gồm có các ngăn chứa nước đầu vào, ngăn lọc, ngăn chứa nước đầu ra. Đáy của ngăn chứa nước đầu vào và đầu ra được làm nghiêng để lắng và xả cặn. Ngăn lọc và ngăn chứa nước sau lọc sẽ được che bằng mái tôn vuông. Vật liệu lọc trong ngăn lọc gồm ba lớp tính từ đáy lên trên có đá sỏi xanh, than hoạt tính và lớp cát sạch. Nước sau lọc sẽ được cho vào chai và phơi trên mái tôn khoảng 6 tiếng để sử dụng.
Tập huấn phương pháp SODIS cho người dân
Không chọn hình thức xây dựng bể lọc nước, Hội Sinh viên Khoa Môi trường tại Đại học Khoa học Huế chọn cách giới thiệu và tập huấn về phương pháp SODIS cũng như trao tặng mô hình cho những hộ dân tại xã Nhâm và xã Hồng Thái, huyện A Lưới, Huế.
Bà con trao đổi thắc mắc tại buổi tập huấn.
Các buổi tập huấn và Chương trình giới thiệu phương pháp SODIS của nhóm bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến cuối tháng 9. Lần lượt là các buổi tập huấn cho các các bộ, đoàn viên thanh niên, chiến sĩ Mùa hè xanh tại khu vực và cho hơn 100 hộ dân tại hai xã Nhâm và Hồng Thái.
Tại các lớp tập huấn, dự án “Mang SODIS đến vùng cao” của nhóm đã giới thiệu chi tiết về cơ sở khoa học, nội dung, cách thức thực hiện cùng những ưu và nhược điểm của phương pháp khử trùng vi sinh vật trong nước bằng ánh sáng mặt trời. Đồng thời, dự án cũng trình bày cụ thể về các nguyên tắc và những lưu ý quan trọng khi thực hiện phương pháp SODIS như về loại nước áp dụng, điều kiện thời tiết, loại chai sử dụng... Bên cạnh đó là những hướng dẫn và các kiến thức bổ ích, lý thú về vệ sinh môi trường, tiết kiệm nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhằm nâng cao kiến thức về bảo vệ tài nguyên nước và môi trường cho bà con. Nhóm còn phối hợp với các cán bộ UBND xã Nhâm trao tặng 10 mô hình thí điểm cho 10 hộ dân trong khu vực.
Dự án đã đạt được mục tiêu đề ra khi tạo điều kiện cho 100 hộ gia đình và khoảng 80 đoàn viên thanh niên tại hai xã Nhâm và Hồng Thái tiếp cận phương pháp xử lý vi sinh vật trong nước bằng nguồn năng lượng tự nhiên. Qua đó, dự án góp phần cải thiện nguồn nước uống, ngăn ngừa và giảm thiểu tỉ lệ mắc bệnh thường gặp về đường tiêu hóa cho người dân nơi đây.
Theo Báo Tin tức