Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam và có thể đạt cường độ của đợt El Nino mạnh kỷ lục năm 1997-1998. Ngoài cường độ mạnh, El Nino năm 2016 dự báo sẽ kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Khả năng mùa mưa sẽ đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa, dòng chảy hầu hết khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Đặc biệt là Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên. Mực nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện dự báo đều thấp hơn cùng kỳ 2014 và TPHCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng… Đợt hạn có thể gây thiếu nước, xâm nhập mặn làm gián đoạn việc khai thác và cung cấp nước sạch trên địa bàn TPHCM. TPHCM đã nắm được thông tin này và đang có nhiều giải pháp nhằm ứng phó với thử thách trên. Cụ thể, TPHCM đã yêu cầu các ngành liên quan thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi hợp lý. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã lập các phương án cấp nước khẩn như: bằng xe bồn, an toàn thông qua các giếng lẻ...
Bên cạnh đó, Sawaco phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và Công ty Thủy điện Trị An để được hỗ trợ xả nước đẩy mặn khi cần thiết. Đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng - nơi cung cấp nước ngọt duy nhất cho hàng chục nghìn hecta lúa, hoa màu, nước sạch, đẩy mặn cho tỉnh Tây Ninh và TPHCM cho biết, sẽ lên phương án xả nước luân phiên để tiết kiệm nước. Sau khi xả nước phục vụ tưới tiêu cho Tây Ninh 3 ngày sẽ chuyển sang phục vụ TPHCM 4 ngày (hoặc ngược lại), thay vì phải xả liên tục 7 ngày cho các địa phương như trước đây. Nhờ đó, lượng nước xả trên kênh có thể giảm 20%-30%...
Nhân viên Sawaco kiểm tra hệ thống cấp nước. Ảnh: CAO THĂNG
Nhiều nhà khoa học về môi trường đánh giá rất cao tinh thần chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan như trên của TPHCM cũng như các đơn vị liên quan. Chỉ có một vấn đề, nhiều nhà khoa học cho rằng, thay vì chỉ các cơ quan chức năng quyết liệt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và hiện tượng El Nino của năm nay nói riêng, TPHCM nên mở phong trào vận động toàn dân tham gia tiết kiệm nước. Ngành điện lực ở TPHCM đã mở phong trào vận động toàn dân tham gia tiết kiệm được và kết quả thu được rất khả quan. Tại sao ngành cấp nước không thể làm tương tự? Hiện nay trên trang web của Sawaco đã có bảng hướng dẫn rất cụ thể về các cách có thể giúp tiết kiệm nước. Sawaco nên in các thông tin này và phát miễn phí cho người dân đồng thời phối hợp với ngành chức năng tổ chức cuộc vận động toàn dân tiết kiệm nước và có những phần quà giá trị tặng cho những hộ dân làm tốt việc này.
Khoa học hiện nay đã chứng minh, nước ngọt phục vụ đời sống không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Do đó, việc tiết kiệm nước không chỉ cần thiết cho mùa khô năm nay mà còn luôn cần thiết trong đời sống của người dân. Mong rằng, đợt hạn hán này vừa là thử thách song cũng là cơ hội cho mọi người hiểu và biết trân trọng nguồn nước một cách thỏa đáng.
Hà Nguyễn (theo Sài Gòn Giải Phóng)