Trong chiến lược và kế hoạch tăng trưởng xanh của TPHCM, chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2016 - 2018 là giảm được 4,5% cường độ năng lượng vào năm 2018, tương ứng mỗi năm giảm 1,5% cường độ năng lượng.
Giảm cường độ năng lượng đa ngành
Cụ thể, trong năm 2016, cường độ năng lượng ngành công nghiệp phấn đấu còn 103,3; dịch vụ thương mại là 38,4; giao thông vận tải là 1033,3, bệnh viện 9,7; trường học 15,4 và các ngành khác (hộ gia đình, tòa nhà…) là 1072,1.
Mục tiêu tỉ lệ công suất năng lượng tái tạo đến năm 2018 là 1,00%. Trong đó, công suất tiêu thụ điện lắp đặt mới dự kiến đạt 10W với mục tiêu tăng trưởng là 0,21%.
Theo đó, tổng năng lượng tiết kiệm điện đến năm 2017 là 18,768 TOE dựa trên các hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) của mỗi nhóm ngành. Đơn cử với ngành công nghiệp, dịch vụ thương mại và cấp thoát nước tiết kiệm thông qua việc hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng và tư vấn xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; hỗ trợ xây dựng định mức tiêu hao năng lượng; xây dựng các giải pháp đầu tư TKNL và hỗ trợ triển khai các giải pháp; xây dựng mô hình năng lượng xanh (doanh nghiệp xanh, khu công nghiệp xanh).
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ, xây dựng định mức tiêu hao năng lượng mức năng lượng; xây dựng chương trình chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu LPG/CNG đạt từ 5 - 20% số xe buýt và taxi; phối hợp thực hiện chương trình khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Đối với bệnh viện và trường học, khảo sát xây dựng định mức tiêu hao năng lượng và nhận diện các giải pháp TKNL; xây dựng mô hình năng lượng xanh (bệnh viện xanh, trường học xanh). Đối với hộ gia đình, tòa nhà và công sở, truyền thông và đào tạo về TKNL cho hộ gia đình, công sở; phối hợp với EVN HCMC thực hiện chương trình gia đình tiết kiệm điện; đào tạo về kiến trúc xanh. Hệ thống chiếu sáng công cộng và dân lập cũng sẽ được cải tạo. Tất cả những hoạt động trên sẽ đều được giám sát kết quả triển khai.
Để tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, TPHCM sẽ triển khai loại hình điện mặt trời với các chương trình như bù giá điện mặt trời, hỗ trợ đầu tư điện mặt trời hệ thống tòa nhà công sở. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường máy nước nóng năng lượng mặt trời, năng lượng khí sinh học (biogas), năng lượng gió, xử lý rác phát điện… Trong năm 2016, tổng mục tiêu dự kiến đạt 9,7 MW và giai đoạn 2016 - 2018 là 49,1 MW.
Gắn tăng trưởng xanh với phát triển năng lượng sạch
Theo đó, trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM kiến nghị, cần sớm xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về góc độ tiết kiệm năng lượng để có thể đáp ứng các chỉ tiêu tăng trưởng xanh; cần có hệ thống cơ sở dữ liệu để thực hiện đánh giá toàn diện các lĩnh vực sử dụng năng lượng trên một địa bàn/ tỉnh thành để từ đó đề xuất ra các chỉ tiêu dài hạn.
Ngoài ra, cũng cần thiết có các hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách từ cấp chính quyền địa phương trong việc hình thành các chương trình, chiến lược thực hiện tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo trên diện rộng ở địa phương. Ví dụ, tại TPHCM, tất cả các tổng công ty, tập đoàn, hợp tác xã lớn, các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đều phải cam kết với UBND TP trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng nhằm đạt chỉ tiêu đề ra. Mặt khác, cũng cần hình thành cơ chế MRV (giám sát báo cáo và đánh giá) để có thể đánh giá được kết quả thực hiện.
Mục tiêu của TPHCM từ nay - 2020 sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong đó, đặc biệt nâng dần tỉ trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo và năng lượng từ chất thải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cho từng giai đoạn.
Xây dựng nhà máy thu khí phát điện từ các bãi chôn lấp của thành phố theo cơ chế phát triển sạch (CDM) nhằm tận dụng lượng khí nhà kính để phát điện. Phấn đấu tỉ lệ tổn thất điện năng đến năm 2020 còn khoảng 5%; chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới lên trên 1,74% tổng công suất tiêu thụ của toàn thành phố.
Theo Báo Lao Động