Một thiết bị đơn giản phát triển bởi các kĩ sư của Loughborough University trong dự án My India sẽ giúp người dân nghèo tại Ấn Độ tiếp cận dễ dàng hơn với năng lượng sạch, giá cả phải chăng.
Thiết bị bằng gỗ của các kỹ sư người Anh giúp phụ nữ Ấn Độ tận dụng được giấy rác, mùn cưa và tro để tạo ra than bánh sinh khối. Như vậy họ sẽ hạn chế được việc đốt than củi gây ô nhiễm môi trường.
Đây là dự án hợp tác giữa Đại học Loughborough, tổ chức Russ Foundation, doanh nghiệp My India và các phụ nữ khuyết tật ở miền Nam Ấn Độ nhằm cải thiện sự thiệu hụt nhiên liệu tại nơi này.
Richard Blanchard, giảng viên ngành Năng lượng tái tạo của Đại học Loughborough cho biết: “Dự án này là một ví dụ điển hình cho việc cải thiện cuộc sống con người. Ban đầu chúng tôi được yêu cầu giúp đỡ phát triển mô hình mẫu bằng gỗ để tổ chức Russ Foundation có thể dễ dàng nhân rộng lên. Chúng tôi cũng chia sẻ hiểu biết và chuyên môn để giúp người dân cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình, sau đó chính họ cũng có thể tham gia phát triển dự án này.”
Một phiên bản khác bằng kim loại của thiết bị tạo bánh than sinh khối cũng được lắp đặt tại các tổ chức từ thiện, giúp phụ nữ tạo ra nhiên liệu sinh khối giá rẻ, tăng thu nhập và học nghề.
Dự án này đã nhận được hỗ trợ 1.500 Bảng Anh thông qua cuộc thi Santander 60 Second Pitch sau khi một thành viên đăng tải video dài 60 giây về ích lợi của bánh than sinh khối.
Ở Ấn Độ, xấp xỉ 1 triệu người chết hàng năm do các bệnh hô hấp gây ra bởi ô nhiễm không khí từ khói của việc đốt than, củi.
Thanh Phong (Theo E&T)