Hình ảnh về bầu trời đầy khói bụi, thậm chí khó có thể quan sát thấy đường chân trời tại thành phố Mexico sẽ không còn là bức hình minh họa cho tình trạng ô nhiễm không khí nữa nhờ sự chuyển đổi sang năng lượng tại quốc gia Mỹ Latinh này.
Theo số liệu từ các nhà nghiên cứu, nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo tại các nước Mỹ Latinh ngày một tăng cao, đặc biệt là ở một số quốc gia như Mexico, Brazil và Chi-lê.
PwC cho biết sản lượng năng lượng sạch tại đây đã tăng gấp 3 lần vào thời điểm năm trước, ghi nhận mức phát triển cao nhất trên thế giới. Báo cáo các Hợp Đồng Năng Lượng Tái Tạo cho thấy nhu cầu sử dụng điện gắn với các chính sách chặt chẽ về môi trường góp phần tăng giá trị các hợp đồng năng lượng tái tạo từ 2.7 tỉ đô-la vào năm 2014 lên 7.6 tỉ đô-la vào năm 2015.
Arthur Ramos, đối tác của đơn vị tư vấn PwC, trong phỏng vấn với BloombergBusiness cho biết: “Năng lượng tái tạo đón nhận nhiều niềm yêu thích từ người dân, họ nhận thức được đó là cách phát triển an toàn, bền vững với môi trường tự nhiên. Hơn thế nữa, nhiều công ty đa quốc gia cũng đang quan tâm đến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, họ thậm chí đưa ra các mô hình phát triển tiềm năng có ít rủi ro để áp dụng tại Mỹ Latinh.”
Một công ty năng lượng của Trung Quốc là Three Gorges Corp cũng đã tham gia đầu tư mua lại hai nhà máy thủy điện là Jupia và Ilha Solteria của Brazil với tổng số vốn là 3.7 tỉ đô-la. Đây là hợp đồng thu mua lớn nhất tại Brazil nói riêng và trong khu vực nói chung. Đứng thứ hai là hợp đồng thu mua từ Công ty năng lượng Sempra có trụ sở chính tại San Diego, Mỹ, khi họ tiến hành mua lại cổ phần của Gasoductos de Chihuahua của Mexico với số tiền 2.5 tỉ đô-la.
Nhờ cải cách chuyển đổi ngành năng lượng điện của Mexico khi chấp nhận mở cửa đối với đầu tư tư nhân, các dự án năng lượng nhận được sự phản hồi tích cực từ các công ty đa quốc gia và các công ty nước ngoài. Ngoài Mexico và Brazil, Chi-lê cũng là một trong số các quốc gia có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo khi nhiều công ty nước ngoài như Khí Ga Tự Nhiên Fenosa của Tây ban Nha hay Tập đoàn đầu tư Năng Lượng Quốc Gia của Trung Quốc tập trung nghiên cứu và đầu tư vào thị trường này.
Trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng ở các nước đang phát triển đang ngày một tăng lên, mức độ hợp lý của giá cả năng lượng trở thành vấn đề đáng quan tâm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, năng lượng mới sạch và có lợi với môi trường vẫn luôn được ưu tiên bởi đó là khoản đầu tư đầy lợi ích cho tương lai.
Thanh Thảo (Theo globalsolutions.org)