Hơn 1 triệu điều hòa được tiệu thụ tại Úc hàng năm, số hộ gia đình sở hữu điều hòa đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm trở lại đây. Điều hòa đã tạo áp lực đáng kể lên mạng lưới điện, nhưng việc dán nhãn năng lượng cho điều hòa hộ gia đình vẫn dựa vào một bài kiểm tra đã lỗi thời từ 30 năm trước.
Tuy nhiên, chính phủ Úc sẽ sớm thay đổi quy định đánh giá dán nhãn năng lượng cho thiết bị này.
Trước đây, nhãn năng lượng điều hòa gia dụng, công bố lần đầu tiên vào năm 1987, dựa trên mức độ hiệu quả năng lượng của máy móc khi chạy với tốc độ tối đa ở chế độ làm mát khi nhiệt độ ngoài trời là 35 độ C, ở chế độ sưởi ấm khi nhiệt độ ngoài trời là 7 độ C.
Kiểm tra như trên chỉ hợp lý với các điều hòa có mô tơ chạy với tốc độ cố định, chỉ có 2 chế độ bật, tắt. Ngày nay, hầu hết điều hòa có mô tơ điều chỉnh tốc độ, đồng nghĩa với việc điều hòa thường không chạy với tốc độ tối đa.
Các nhà làm luật hiệu quả năng lượng hiện chưa bắt kịp được công nghệ hiện đại. Như vậy, khách hàng hiện không được cung cấp đầy đủ thông tin để có lựa chọn sản phẩm tốt nhất.
Các nhãn năng lượng hiện có khiến hầu hết các điều hòa có vẻ tiết kiệm năng lượng hơn thực tế. Theo thông cáo công khai về tác động của việc thay đổi quy định được đem ra thăm dò ý kiến, “điều này có nghĩa là một sản phẩm được đánh giá hiệu quả năng lượng cao ở mức 35 độ C và 7 độ C có thể không phải là lựa chọn tối ưu ở nơi có khí hậu nóng ẩm như Darwin, hoặc sẽ gặp khó khăn trong việc sưởi ấm ở nơi có thời tiết lạnh như thủ đô Canberra của Úc hoặc một số nơi tại New Zealand”.
Thông cáo này chỉ ra rằng trong 2539 điều hòa nhiệt độ được đăng kí dưới chương trình Thiết bị hiệu quả năng lương lượng, chỉ 104 mẫu công bố hiệu quả hoạt động tại 2 độ C. Trong số này 65 mẫu cho thấy sự suy giảm công suất, có nghĩa là chúng không tạo được ra nhiều nhiệt như người tiêu dùng mong đợi. Ngoài ra, mức hiệu quả năng lượng của chúng thấp hơn mong đợi từ 6 đến 40%, trung bình 27%.
Để cải thiện vấn đề này, chương trình Thiết bị hiệu quả năng lượng Úc - New Zealand - thực hiện bởi chính phủ Úc, đang đề xuất “Nhãn năng lượng theo vùng”, chia Úc thành 3 vùng thời tiết: “Nóng”, bao gồm Brisbane và Darwin; "Trung bình", bao gồm Adelaide, Perth và Sydney; "Lạnh", bao gồm Canberra, Hobart, Melbourne và cả đất nước New Zealand. Người tiêu dùng sẽ xem loại sản phẩm nào phù hợp với thời tiết nơi họ sống.
Tỉ lệ lợi ích trên giá cả của các thay đổi này là 4,3/1. Có nghĩa là số tiền tiết kiệm được từ giảm sử dụng điện và phát thải khí carbon sẽ lớn hơn 4,3 lần so với chi phí mà chính phủ và ngành công nghiệp phải bỏ ra để thực hiện kế hoạch. Được biết, kế hoạch này có thể cắt giảm 6 tấn khí thải carbon một năm và giúp Úc tiết kiệm hơn 1 tỉ USD.
Thanh Phong (Theo Fifth State)