Trong cơ cấu các nguồn điện hiện nay, thủy điện vẫn chiếm một tỉ trọng lớn, khoảng 40% tổng công suất toàn hệ thống. Chính vì vậy, trước những dự báo đầy khó khăn, thách thức về tình hình nắng hạn và những tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino 2016 gây thiếu nước ở các hồ thủy điện, áp lực đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất lớn. Và để giải quyết bài toán này, ngay từ những tháng cuối năm 2015, một loạt các giải pháp trong quản lý đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống điện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết liệt triển khai thực hiện.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), do tác động tiêu cực của tình hình thời tiết, tổng lượng nước thiếu hụt tại các hồ thủy điện tại thời điểm 1-1-2016 lên tới gần 6,5 tỉ m3, trong đó miền Bắc thiếu 2,3 tỉ m3; miền Trung thiếu hụt 2,1 tỉ m3 và miền Nam thiếu hụt 2,1 tỉ m3. Đáng chú ý, mực nước dâng tại nhiều hồ thủy điện lớn thâp hơn mực nước dâng bình thường như Hòa Bình là 116,25/117m; Sơn La là 214,78/215m... Sự thiếu hụt này theo EVN sẽ khiến tổng sản lượng điện toàn hệ thống năm 2016 thiếu hụt khoảng 3,22 tỉ kWh. Trong khi đó, theo tính toán của EVN, dự kiến năm 2016, nhu cầu điện thương phẩm sẽ tăng khoảng 11,4%, đạt mức 159,4 tỉ kWh; điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống sẽ tăng 12,08%, đạt 182,6 tỉ kWh.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Các hồ thủy điện đang thiếu nước là vậy nhưng theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thì lưu lượng nước trên các sông, suối, đặc biệt là ở Bắc Bộ vẫn tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 10-2015. Trong đó, trên lưu vực sông Đà hụt 5-30%, sông Thao 10-45%, sông Lô 5-20%, hạ lưu sông Hồng 40-45%.
Nói như vậy để thấy rằng, áp lực đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2016 là vô cùng lớn. Áp lực đó càng tăng lên khi ngay trong những tháng đầu năm 2016, trong vụ Đông Xuân 2015-2016, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, EVN đã chỉ đạo các đơn vị xả hàng tỉ m3 phục vụ công tác tưới tiêu ở vùng Bắc Bộ.
Đề cập tới câu chuyện này, ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN cho hay, với việc thủy điện vẫn chiếm một tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện khiến việc cân đối cung cầu điện phụ thuộc nhiều vào diễn biến thủy văn. Vậy nên, trước những dự báo về diễn biến bất lợi của thời tiết cũng như sự thiếu hụt nguồn nước tại các hồ thủy điện, ngành điện đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện cho đất nước. Và thực tế những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016 đã cho thấy, sự thiếu hụt này đã làm giảm khả năng phát điện cả về công suất và sản lượng tại các nhà máy thủy điện. Sản lượng thủy điện đã liên tục giảm trong những năm qua, từ 59,8 tỉ kWh vào năm 2014, xuống còn 55,3 tỉ kWh vào năm 2015...
Từ thực tế trên, ông Hải cho biết, ngay từ cuối năm 2015, EVN đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn, dòng chảy về các hồ để tích nước cao nhất có thể, phục vụ nhu cầu nước hạ du và phát điện cho các tháng mùa khô năm 2016; chủ động huy động tối đa các nguồn nhiệt điện ngay từ cuối năm 2015 để các nhà máy thủy điện tích nước cao nhất, đặc biệt là các hồ thủy điện miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam để phục vụ nhu cầu nước hạ du và phát điện cho các tháng mùa khô năm 2016.
Đồng thời, Tập đoàn cũng đã chủ động đề xuất với Bộ Công Thương thực hiện điều hành tập trung từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia các nhà máy thủy điện có lưu lượng nước về hồ thấp và mực nước thấp để điều tiết phục vụ tích nước các hồ chứa thủy điện đến mực nước cao nhất có thể. Đặc biệt, EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, các địa phương, các công ty khai thác công trình thủy nông, các công ty thủy điện để lập và điều hành có hiệu quả việc sử dụng nước từ các hồ chứa thủy điện trong thời gian mùa khô.
Bên cạnh đó, EVN đã làm việc với chính quyền các địa phương, thông tin về nguồn nước hồ chứa, phối hợp lập và thực hiện kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện. Theo đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ lập và thực hiện phương thức vận hành đáp ứng nhu cầu nước của các địa phương. Ngoài ra, Tập đoàn cũng chỉ đạo các tổng công ty phát điện củng cố thiết bị để vận hành ổn định các tổ máy nhiệt điện than, nhất là các nhà máy phía Nam như Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1; bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy năm 2016…
Đặc biệt, để đảm bảo cân đối cung - cầu điện giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam, EVN đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm trên lưới điện truyền tải vào vận hành như Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, các bộ tụ bù dọc trên cung đoạn từ Pleiku - Cầu Bông, đường dây 220kV liên kết Bắc - Trung Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới… Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, các tổng công ty điện lực tăng cường kiểm tra, củng cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, tin cậy; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực để xử lý nhanh sự cố. Đồng thời, Tập đoàn đã giao chỉ tiêu tiết kiệm điện cho các tổng công ty điện lực và yêu cầu các điện lực tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả của cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.
Mặc dù ngành điện đã chủ động, nỗ lực trong việc ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết, nhưng theo ông Hải để có được kết quả cao nhất thì chỉ mình ngành điện thôi là không đủ. Ngành điện rất cần sự vào cuộc hỗ trợ, chia sẻ, chung tay góp sức của các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương các cấp và người dân. Đó là sự phối hợp trong việc khai thác hiệu quả các nguồn nước để phục vụ công tác tưới tiêu. Là sự đồng hành, phối hợp, ủng hộ trong quá trình triển khai thi công các công trình nguồn và lưới điện...
Theo Petrotimes.vn