Nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Nottingham Trent, tiến sĩ Dorothy Hardy, đã nghiên cứu phương pháp cải thiện diện mạo của pin quang điện – công nghệ năng lượng xanh mà từ trước tới nay luôn được hình dung dưới dạng một tấm kính lớn màu xanh nước biển.
Dorothy đã tiến hành nghiên cứu các kỹ thuật vẽ trên kính truyền thống đã xuất hiện từ cách đây 1.000 năm cùng với phương pháp nhuộm huỳnh quang trên bề mặt kính được gắn các tế bào năng lượng mặt trời. Gia nhập vào nhóm nghiên cứu dệt may cấp cao của trường Đại học Nottingham Trent vào mùa hè năm trước, Dorothy tin rằng hoàn toàn có thể kết hợp nghệ thuật và kỹ thuật với nhau để cho ra một sản phẩm đột phá.
Bà cho biết: “Rất khó để chỉ nói không nhưng tôi nghĩ rằng một khi khái niệm này trở nên phổ biến thì nó có thể làm thay đổi cách suy nghĩ và sáng tạo của tất cả các nghệ sĩ và thợ làm kính khi thiết kế và chế tác sản phẩm. Điều tuyệt nhất ở đây đó là mọi người sẽ dễ dàng tiếp cận với năng lượng bền vững, năng lượng xanh và cảm thấy thích thú hơn với những công nghệ năng lượng mới và có ích.”
Tiến sĩ Dorothy đã từng học và có 2 bằng về ngành kính, gốm và kỹ thuật máy.
Không giống như các loại kính thông thường có tuổi thọ lên tới cả ngàn năm trong điều kiện bảo quản tốt, kính quang điện sơn họa tiết như thế này chỉ có tuổi thọ khoảng 50 năm và cần được thay thế. Tuy nhiên, các tế bào quang điện tinh thể silic vẫn có thể hoạt động đạt 80% hiệu suất dù sau 20 năm.
Một tấm kính quang điện hoàn chỉnh (như trong hình) sẽ có thể cung cấp đủ điện cho một vài bóng đèn LED hoặc dùng để sạc điện thoại di động.
Giáo sư Tom Fisher, nghiên cứu ngành nghệ thuật và thiết kế trường Đại học Nottingham Trent cho biết: “Những gì mà Dorothy đang làm là một minh chứng rõ ràng cho việc kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học để tạo ra những giá trị mới có ích cho xã hội và môi trường. Làm cho các pin quang điện trở nên đẹp hơn về hình thức sẽ giúp các sản phẩm này được lòng người tiêu dùng hơn, hơn thế nữa còn góp phần nâng cấp diện mạo các cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới bởi ứng dụng pin quang điện trong xây dựng đã rất phổ biến tại nhiều quốc gia.”
Thanh Thảo (Theo nottinghampost.com)