Theo một báo cáo của tổ chức Liên Hợp Quốc, năng lượng tái tạo sản xuất ra lượng điện năng lớn nhất trong năm 2015 và nguồn kinh phí đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới cũng đạt mức kỷ lục 286 tỷ đôla.
Báo cáo Xu hướng toàn cầu trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo của chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc cho biết trong năm 2015, năng lượng tái tạo đã sản xuất ra 134 tỷ watt điện, vượt xa ngưỡng 106 tỷ watt năm 2014 và 87 tỷ watt năm 2013.
Nếu không có năng lượng tái tạo, lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới có thể tăng lên thêm 1,5 tỷ tấn trong năm 2015.
Đặc biệt, trong năm 2015, nguồn kinh phí đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới lên đến mức 286 tỷ đôla (188 tỷ bảng Anh), hơn gấp 2 lần so với nguồn kinh phí đầu tư vào nhà máy sản xuất điện đốt than và nhà máy sản xuất điện từ khí gas (ước tỉnh khoảng 130 tỷ đôla).
Giám đốc điều hành chương trình Môi trường của tổ chức Liên Hợp Quốc, ông Achim Steiner cho biết: "Năng lượng tái tạo là nguồn sản xuất điện năng chính trong xu thế hướng đến một môi trường sống trong sạch, ít khí thải carbon của chúng ta. Việc đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục trong năm 2015 càng chứng tỏ điều này. Đặc biệt hơn nữa, nguồn kinh phí mà các nước đang phát triển đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn hơn nguồn kinh phí mà các nước phát triển bỏ ra".
"Năng lượng tái tạo có thể nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và sự phát triển bền vững của môi trường. Tiếp tục và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo không chỉ mang lại lợi ích cho con người và hành tinh của chúng ta mà còn là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu của toàn thế giới về chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự phát triển bền vững".
Báo cáo của chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc cho biết, lần đầu tiên nguồn kinh phí đầu tư vào năng lượng tái tạo của các nước đang phát triển lớn hơn so với các nước phát triển (nguồn kinh phí mà các nước đang phát triển bỏ ra tăng 19%, trong khi đó nguồn kinh phí của các nước phát triển giảm 8% trong năm 2015).
Nguồn kinh phí mà Trung Quốc đầu tư vào năng lượng tái tạo trong năm 2015 tăng 17%, lên đến mức 102.9 tỷ đôla, chiếm 36% tổng nguồn kinh phí đầu tư cho năng lượng tái tạo của toàn thế giới. Ấn Độ, Nam Phi, Mexico và Chile là một trong số những quốc gia đang phát triển không ngường tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Ngược lại, trong số các nước phát triển, châu Âu giảm đầu tư vào năng lượng tái tạo, từ 62 tỷ đôla năm 2014 xuống còn 48.8 tỷ đôla năm 2015 (giảm khoảng 21%). Đây là mức kinh phí thấp nhất từ trước đến nay mà châu Âu bỏ ra. Mỹ lại tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, lên đến 44.1 tỷ đôla (tăng khoảng 19%).
Các nhà nghiên cứu cho biết việc các nước đang phát triển bỏ nhiều kinh phí hơn các nước phát triển vào năng lượng tái tạo có thể do một vài lý do sau: Trung Quốc "tấn công" năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhu cầ điện năng của các nước mới nổi không ngừng tăng lên, chi phí sản xuất điện năng lừ năng lượng tái tạo ngày càng giảm, nền kinh tế của các nước phát triển tăng trưởng chậm và châu Âu cắt viện trợ cho năng lượng tái tạo.
Ngọc Diệp (Theo Edie.net)