Từ lâu, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, độ ẩm có quan hệ mật thiết với cảm nhận nhiệt của cơ thể người. Cụ thể, ở cùng một nhiệt độ, không khí có độ ẩm cao hơn khiến con người có cảm giác nóng hơn hoặc lạnh hơn so với không khí có độ ẩm thấp. Vì vậy, khi sử dụng điều hoà không khí, ngoài nhiệt độ, người sử dụng cũng rất cần lưu ý đến việc điều chỉnh độ ẩm trong phòng, từ đó tiết kiệm thêm điện năng trong khi vẫn có thể hưởng thụ một bầu không khí dễ chịu. Dưới đây là một số giải pháp chính:
1. Đảm bảo ngôi nhà trong trạng thái khép kín:
Điểm cần chú ý đầu tiên là đảm bảo ngôi nhà trong trạng thái khép kín, hạn chế tối đa sự rò rỉ thông qua cửa sổ, cửa ra, ống thông gió và các lỗ hổng, khe nứt xuất hiện trong quá trình sử dụng bởi điều này sẽ khiến cho hệ thống HVAC tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để khử ẩm và làm suy giảm đáng kể chất lượng không khí trong ngôi nhà.
2. Lựa chọn hệ thống HVAC có kích thước phù hợp:
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, hầu hết thiết bị HVAC được các hộ gia đình sử dụng hiện nay đều kích thước và công suất vượt quá nhu cầu của chính ngôi nhà. Ví dụ, việc sử dụng một chiếc điều hoà nhiệt độ có công suất 24000 BTU trong căn phòng 10 m2 là quá mức cần thiết, khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền điện hơn trong khi chẳng đem lại hiệu quả làm mát và cải thiện độ ẩm tốt hơn so với một chiếc điều hoà 9000 BTU bởi với thời gian làm lạnh nhanh, hơi nước trong không khí khó bay hơi hết, thậm chí còn ngưng tụ lại thành giọt và làm ẩm sàn nhà. Chính vì vậy, trước khi lắp đặt một hệ thống HVAC mới, chủ hộ cần lựa chọn kích thước chính xác cho các thiết bị dựa trên chỉ số SEER (Hiệu suất sử dụng năng lượng hiệu quả theo mùa) mà nhãn Energy Star đã bắt đầu áp dụng.
Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng, các khu vực khác nhau trong một ngôi nhà có nhu cầu làm giảm độ ẩm không đồng nhất, vì vậy việc tuỳ chỉnh kích thước của hệ thống HVAC cho từng khu vực cũng rất cần thiết. Cụ thể, phòng tắm và nhà bếp thường có độ ẩm không khí rất cao do có liên quan đến nước. Vì vậy, việc lắp đặt thêm quạt thông gió công suất lớn và cho quạt chạy thêm 30 phút sau khi sử dụng bếp, vòi sen, vòi nước, bồn tắm sẽ có tác dụng tích cực trong việc loại bỏ độ ẩm và hạn chế tối đa việc hơi nước luân chuyển đến các khu vực khác trong nhà, gây khó chịu cho người sử dụng và tiêu tốn thêm năng lượng để khử ẩm tại các khu vực đó.
3. Lắp đặt thêm quạt trần:
Trong bối cảnh điều hoà không khí ngày càng rẻ và trở nên phổ biến, quạt trần có vẻ đã trở thành một sản phẩm làm mát lỗi thời. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu thực nghiệm, loại thiết bị này rất hiệu quả trong việc làm giảm độ ẩm trong phòng nhờ hiệu ứng “windchill”. Nhờ đó, hơi nước sẽ được luân chuyển ra khỏi phòng nhanh hơn và tiêu tốn ít năng lượng hơn so với khi sử dụng điều hoà không khí. Vì vậy, các chủ hộ nên cân nhắc việc lắp đặt thêm quạt trần và phối hợp sử dụng chúng ở giai đoạn đầu tiên để loại bỏ hơi ẩm và điều hoà không khí ở giai đoạn sau để làm mát.
Duy Nguyễn (Theo Recok)