[In trang]
Trồng lạc tiết kiệm nước
Thứ ba, 31/05/2016 - 08:44
Tiết kiệm được 60% lượng nước tưới là kết quả triển khai mô hình trình diễn thâm canh lạc vụ ĐX 2015 - 2016 tại Quảng Nam. Ngoài ra, việc chuyển đổi trồng lạc trên đất lúa đem lại hiệu quả hơn SX lúa gấp 3 lần.
Thăm mô hình trồng lạc tại xã Bình Định Nam.

Vụ ĐX 2015 - 2016, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam triển khai mô hình trình diễn “Tưới nước tiết kiệm: Lạc ĐX - ngô HT xen đậu xanh” tại xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình.

Đến nay, mô hình trồng lạc thâm canh vụ ĐX cho kết quả. Có 10ha lạc được trồng tại thôn Châu Xuân Tây, số diện tích này được canh tác giống lạc LDH01 và TB25. Toàn bộ diện tích thuộc đất cát pha và thịt nhẹ trên chân đất trồng lúa hằng năm, chủ động nước tưới.

Qua 4 tháng triển khai, cây lạc LDH01 và TB25 sinh trưởng khá tốt trên chân đất lúa ĐX (chuyển từ lúa sang lạc). Mặc dù năm nay, do diễn biến thời tiết bất thường, liên tục có những đợt rét kéo dài 4 - 5 ngày đã một phần ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lạc. Tuy nhiên năng suất lạc vẫn đạt 34 - 35 tạ/ha.

Bà Trần Thị Tình tham gia SX 2 sào lạc cho biết, thời gian sinh trưởng của cây lạc bằng lúa, trong khi đó chi phí đầu tư cho 1 sào lạc hết 2,1 triệu đồng, lúa hết 1,3 triệu đồng. Thế nhưng tổng thu 1 sào lạc được 3,7 triệu đồng, lúa chỉ được 1,3 triệu đồng. Trừ chi phí thì trồng lạc lãi 1,6 triệu đồng/sào, còn trồng lúa gần như không có lãi.

Cũng trong vụ ĐX, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp UBND xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành triển khai mô hình trồng 9ha lạc tại thôn Phái Nhơn, với 68 hộ dân tham gia. Số diện tích này trồng giống lạc L14. Tất cả diện tích được bố trí trên đất thịt, chân đất lúa chuyển đổi, thuộc vùng cuối kênh Thái Xuân.

Cũng trong vụ ĐX, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp UBND xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành triển khai mô hình trồng 9ha lạc tại thôn Phái Nhơn, với 68 hộ dân tham gia. Số diện tích này trồng giống lạc L14. Tất cả diện tích được bố trí trên đất thịt, chân đất lúa chuyển đổi, thuộc vùng cuối kênh Thái Xuân.

Vụ ĐX này thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, mưa to gây ngập úng trên toàn bộ diện tích triển khai mô hình. Qua theo dõi thực tế trên đồng ruộng cho thấy cây lạc L14 sinh trưởng khá tốt trên chân đất lúa chuyển đổi. Thời tiết khắc nghiệt nhưng giống lạc L14 nhiễm sâu bệnh ở mức độ nhẹ, lạc sinh trưởng và phát triển tốt.

Về năng suất, tại cánh đồng Phái Nhơn giống lạc L14 đạt khoảng 30 tạ/ha (1kg lạc giá bán 22.000 đồng). Qua tính toán của bà con nông dân cho thấy, so với SX lúa trên cùng chân đất, chi phí đầu tư cho 1ha lạc cao hơn. Tổng chi 1ha lạc từ phân bón đến công lao động hết 40 triệu đồng, nhưng thu được 66 triệu đồng. Trong khi đó đầu tư 1ha lúa hết khoảng 26 triệu đồng, nhưng thu về 28 triệu đồng. Tính ra lãi ròng cây lạc hơn 16 triệu đồng/ha, còn lúa 2 triệu đồng.

Theo ông Minh, mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng lạc rất có ý nghĩa trong công tác chuyển đổi cây trồng ở đây, cây lạc cho năng suất cao, sinh trưởng và phát triển tốt trên chân đất lúa chuyển đổi. Nếu thâm canh tốt thì các giống lạc mới cho năng suất trên 40 tạ/ha.

“Về lượng nước tưới, khi SX lạc trên nền đất lúa chuyển đổi thì giảm được từ 4 - 5 lần tưới/vụ và lượng nước dùng tưới cho lạc giảm từ 60 - 70% so với lúa. Trồng lạc không những có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tiết kiệm một lượng lớn nước dùng trong công tác tưới tiêu, phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra trên diện rộng như hiện nay”, ông Minh cho hay.

Trồng lạc đem lại hiệu quả SX gấp 3 lần so với lúa.

Ông Võ Văn Nghi, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết: Việc triển khai mô hình trồng lạc trên đất lúa từng bước giúp nông dân tiếp cận với các giống lạc mới và nắm được kỹ thuật thâm canh lạc trên chân đất lúa chuyển đổi. Bên cạnh đó góp phần chuyển đổi dần một số diện tích đất lúa kém hiệu quả, đất lúa vùng cuối kênh sang trồng cây trồng khác, trong đó có cây lạc sẽ hiệu quả hơn. Nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó góp phần chuyển đổi dần một số diện tích đất lúa kém hiệu quả, đất lúa vùng cuối kênh sang trồng cây trồng khác, trong đó có cây lạc sẽ hiệu quả hơn. Nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt hơn mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma xử lý phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế một số bệnh hại do nấm gây ra trên cây lạc. Mô hình áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp, IPM, bón phân cân đối, hợp lý, tưới nước tiết kiệm, quản lý dịch hại tốt, ít bị sâu, bệnh gây hại nên giảm việc sử dụng thuốc BVTV.

Tuy nhiên, việc quy hoạch những cánh đồng cây màu, cánh đồng chuyển đổi chưa được các ngành, các cấp chú trọng đúng mức. Cơ sở vật chất, nhất là hệ thống tiêu nước cho cây trồng cạn chưa được quan tâm, lô thửa manh mún, khó áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhiều diện tích dễ bị ngập úng khi có mưa lớn và thiếu nước tưới vào mùa khô. Đây là rào cản rất lớn trong công tác chuyển đổi hiện nay.

“Để thực hiện mô hình thành công, đầu tiên phải quy hoạch ruộng chuyển đổi, hệ thống kênh mương nội đồng phải được quan tâm đúng mức, nhất là khâu tiêu nước khi gặp mưa. Công tác vận động, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phải được hết sức chú trọng. Cần quy hoạch vùng SX tập trung, tách riêng những cánh đồng trồng lúa và lạc nhằm tránh úng cục bộ. Ngoài ra sử dụng đồng bộ giống trên một cánh đồng, phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế bệnh sêu bệnh và thuận tiện trong công tác thu hoạch”, ông Nghi nói.

Lạc là cây trồng truyền thống của nông dân Quảng Nam, có diện tích đứng thứ 3 sau cây lúa và ngô. Với diện tích gieo trồng khoảng gần 11.000ha tập trung, Quảng Nam là tỉnh có diện tích trồng lạc lớn nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Tiềm năng diện tích lạc của Quảng Nam còn có thể mở rộng hơn nữa nhờ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được đẩy mạnh.

 

Theo nongnghiep.vn