Ngày càng nhiều các chủ đầu tư đưa tiêu chí “xanh” vào xây dựng tòa nhà và đây là một trong những lợi thế cạnh tranh với các dự án khác. Tuy nhiên, các chuyên gia về năng lượng cho rằng, nếu chỉ đưa ra tiêu chí thôi chưa đủ, mà chúng ta cần phải quan tâm đến thiết kế lớp vỏ công trình vì đây là một trong những nhân tố quyết định một công trình có sử dụng tiết kiệm năng lượng (TKNL) hiệu quả hay không?
Tòa nhà Thăng Long Number 1 là một trong những tòa nhà sử dụng vật liệu kính TKNL.
TKNL trong các công trình xây dựng là xu thế chung của thế giới nhằm hướng đến việc xây dựng các công trình xanh, trong đó sử dụng đồng bộ các giải pháp từ thiết kế công trình, sử dụng thiết bị và vật liệu xanh như khai thác các điều kiện tự nhiên; lựa chọn kiểu dáng, hình khối công trình; chiếu sáng tự nhiên; sử dụng kính; sử dụng vật liệ xây dựng (VLXD) phù hợp, thân thiện môi trường; sử dụng cây xanh, thiết kế hệ thống chiếu sáng…
Lớp vỏ công trình bao gồm tường bên ngoài, mái che, kính, cửa thông gió tự nhiên… được coi là ranh giới bên trong và bên ngoài công trình, bao gồm tường bên ngoài, mái, kính, các đặc tính có thể tận dụng được ánh sáng tự nhiên và che nắng, đồng thời các cửa thông gió tự nhiên để kiểm soát xâm nhập…
Việc sử dụng lớp vỏ công trình bằng kính TKNL và VLXD phù hợp thân thiện môi trường hiện đang được rất nhiều chủ đầu tư quan tâm. Bởi, với kính TKNL, nó sẽ giúp các tòa nhà tránh sự bức xạ của ánh sáng mặt trời và đồng thời tiết kiệm điện năng sử dụng của máy điều hòa làm mát bị thất thoát nhiệt làm mát từ bên trong phòng ra bên ngoài. Ngoài ra, còn để TKNL sưởi ấm khi năng lượng từ bên trong không bị khuếch tán ra môi trường bên ngoài. Với một số tính năng này, kính TKNL thực sự là sản phẩm phù hợp cho các công trình kiến trúc xanh, tích hợp nhiều tính năng thông minh.
Hiện ở Việt Nam cũng đã có một số công trình sử dụng kính TKNL như Tòa nhà Thăng Long Number 1 của Viglacera, Vincom Center (TP HCM)… đều được sử dụng kính Low-E, một loại kính TKNL và vật liệu xanh đang được rất nhiều các công trình và tòa nhà cao cấp trên thế giới ưa dùng. Dự án FPT Complex của FPT City cũng sử dụng hệ thống kỹ thuật mới nhất trong điều hòa cũng như thu gom hệ thống nước thải của Nhật giúp giảm 21-30% năng lượng điện, tiết kiệm khoảng 32-35% lượng nước và khoảng 20-25% chi phí năng lượng…
Cùng với đó, VLXD thân thiện với môi trường có rất nhiều ưu điểm như giảm trọng tải móng, cách âm cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng. Gạch đất nung tác động lớn đến môi trường, gây ô nhiễm nhiệt. Vì vậy, nên giảm sử dụng gạch đất sét nung, chuyển sang dùng gạch không nung với tỷ lệ 50-70%. Sử dụng các vật liệu tác dụng chống thấm và chống nhiệt thích hợp góp phần TKNL cho công trình.
Bên cạnh giải pháp nêu trên, khi xây dựng công trình, cũng cần tính đến sử dụng vật liệu tái tạo như các vật liệu khi phá dỡ sẽ được di chuyển đến nhà máy tái chế vật liệu xây dựng hay để san lấp mặt bằng nào đó, giúp giảm giá thành xây dựng công trình…
Theo Vụ KH&CN, Bộ Xây dựng, nếu các công trình xây dựng áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc; sử dụng các vật liệu TKNL; lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ; tận dụng không gian, ánh sáng tự nhiên… thì có thể tiết kiệm từ 30-40% năng lượng tiêu thụ. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp TKNL cũng có thể tiết kiệm từ 15-25%...
Đại diện Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng cho rằng: Để xây dựng công trình xanh với chi phí hợp lý, cần xây dựng một khái niệm các giải pháp cụ thể chính là cần xác định lộ trình “công trình xanh” ngay từ giai đoạn đầu và lựa chọn một đội ngũ chuyên gia đa ngành nhiều giải pháp, sau đó đưa ra được một giải pháp mà dự án có thể sử dụng được như giải pháp về quy hoạch, giải pháp về mái xanh, hay sử dụng thủ pháp chắn nắng mặt đứng công trình, giải pháp dùng tấm pin mặt trời trên mái, trên mặt đứng để tạo năng lượng sử dụng cho tòa nhà…
Theo baoxaydung.vn