Công nghệ tưới tiết kiệm nước ngày càng được nông dân áp dụng rộng rãi
Vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Ban Quản lý Dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị thúc đẩy triển khai xây dựng công nghệ tưới nước tiết kiệm hợp phần cà phê với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Ban quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và các tổ chức nông dân tham gia dự án 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tại Hội nghị, BQL dự án đã giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tưới và các mô hình thực hành về tưới tiết kiệm cho cà phê; chia sẻ các kinh nghiệm, các giải pháp nhằm thúc đẩy triển khai và nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm cho cà phê và các cây trồng khác trong thời gian tới. Đây cũng là nơi kết nối nông dân tiếp cận trực tiếp với các DN cung cấp thiết bị công nghệ tưới; chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong cơ cấu chi phí sản xuất cà phê kinh doanh khu vực Tây Nguyên thì phân bón chiếm khoảng 45%, công lao động 18% và nước tưới 11%... Tuy nhiên, đặc điểm của cà phê Rosbusta là sau thời gian chịu hạn, cây cần một lượng nước đủ để cây nở hoa, thụ phấn và hình thành quả trùng vào mùa khô. Trong khi đó, nguồn tài nguyên nước ngày càng giảm sút, do đó cần áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước.
Hiện tại có 2 hệ thống tưới đang được Bộ NN-PTNT khuyến cáo sử dụng cho Dự án VnSAT là tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, tưới phun mưa tại gốc do WASI cải tiến và phát triển. Dự án VnSAT đã lựa chọn được một số mô hình về tưới tiết kiệm để đào tạo cho nông dân. Đó là mô hình hệ thống thu trữ nước kết hợp tưới nhỏ giọt do Viện Nước, tưới tiêu và Môi trường thực hiện; mô hình Hệ thống tưới nước tiết kiệm (phun mưa tại gốc) và Hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ ISRAEL do Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện.
Các đại biểu tham quan vườn cà phê tại Đăk Lăk
Đến nay, đã có 81 hộ dân thuộc vùng Dự án của 4 tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum đăng ký để nhận hỗ trợ xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm cho cà phê trong thời gian tới. Bên cạnh những mô hình trình diễn phục vụ tập huấn FFS về tưới tiết kiệm, dự án cũng sẽ hỗ trợ đầu tư và cung cấp nguồn vốn vay tín dụng từ dự án cho các tổ chức nông dân, HTX sản xuất cà phê bền vững khi xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm quy mô từ 50ha trở lên.
Riêng tỉnh Đăk Lăk, ngành nông nghiệp đã có những nghiên cứu về việc tưới tiết kiệm nước từ lâu. Theo đó, với những vườn cà phê tưới 400 lít nước/gốc theo mô hình và vườn cây tưới 800 lít/gốc theo tập quán canh tác của người dân thì sau 15 ngày tưới, độ ẩm tầng đất dưới 50-60 cm là như nhau. Do đó, chỉ cần áp dụng tưới 400 lít nước/gốc theo mô hình tiết kiệm là phù hợp.
Dự kiến, đến năm 2020 các hộ nông dân thuộc vùng dự án sẽ nắm vững kỹ thuật canh tác bền vững và tưới nước hợp lý cho khoảng 69.000 ha, đảm bảo tiết kiệm khoảng 20% lượng nước tưới so với hiện nay. |
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam