Tháng 3 là tháng có nhiều sự kiện đặc biệt gắn liền với môi trường, điển hình là Giờ Trái đất và Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3).
Các sự kiện năm nay lần lượt được phát động với thông điệp “Valuing water-Giá trị của nước” (Ngày Nước thế giới), “The Ocean, Our Climate and Weather-Đại dương, Thời tiết và Khí hậu của chúng ta” (Ngày Khí tượng thế giới), và “Speak up for nature-Lên tiếng vì thiên nhiên” (Giờ Trái đất) đều nhằm kêu gọi cộng đồng thế giới hãy hành động để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang nuôi sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Nhằm hưởng ứng các sự kiện trên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra văn bản hướng dẫn các tổ chức hoạt động cụ thể như sau:
Các tổ chức, cơ quan treo pano, băng rôn, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở và các địa điểm thích hợp với các khẩu hiệu tuyên truyền, đã được Bộ phê duyệt;
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; đồng thời đẩy mạnh các hình thức truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin và trực tuyến... về các nội dung như giá trị của nước, đại dương, thời tiết, khí hậu, phòng chống thiên tai, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường;
Tổ chức tọa đàm, giao lưu trực tuyến và các hoạt động tuyên truyền, truyền thông khác để truyền tải rộng rãi thông điệp, chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất...;
Thiết lập các Nhóm hành động, Nhóm tình nguyện… tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ các trailer, phóng sự, pano, áp phích, khẩu hiệu, hình ảnh, các chương trình trực tuyến, tài liệu hoặc tổ chức các cuộc thi, diễn đàn trên các nền tảng mạng xã hội và webtise;
Khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu…;
Phát động các phong trào cộng đồng như trồng cây xanh, chống xói lở, ngăn ngừa xâm nhập mặn, vệ sinh môi trường, tiết kiệm điện và nước, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa;
Tắt tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết từ 20h30 đến 21h30 ngày 27 tháng 3 năm 2021.
Tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong áp dụng các sáng kiến, giải pháp công nghệ để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cho biết, chủ đề và thông điệp Giờ Trái đất năm 2020 có tính lan tỏa cao, tập trung các hoạt động nhằm nâng cao hành vi để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ động vật hoang dã... Qua đó, cùng cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn với các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Sự kiện Giờ trái đất do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) sáng lập, là một sự kiện có tính chiến dịch toàn cầu khởi đầu tại thành phố Sydney, Australia năm 2007 với mục đích khuyến khích mỗi cá nhân, hộ gia đình cũng như các cơ sở kinh doanh tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ đồng hồ từ 20h30 - 21h30 (giờ địa phương) vào thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hằng năm.
Như vậy, Giờ Trái đất với hơn 10 năm được tổ chức để tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, thay đổi tích cực tới cộng đồng xã hội, người dân về ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, nhấn mạnh hãy thay đổi hành vi tiêu dùng vì hệ sinh thái khỏe mạnh. Mỗi cá nhân đều có thể đóng góp tiếng nói, hành vi và bản sắc của mình. Không chỉ thông qua hành động tắt đèn trong 1h mà mỗi ngày, mỗi giờ sau đó đều là những hành động tốt đẹp vì Trái đất.
Đến nay, có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố và hàng tỷ người dân trên toàn thế giới tham gia hưởng ứng sự kiện.
Hà Thanh