[In trang]
Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm tiết kiệm điện
Thứ tư, 06/10/2021 - 07:18
Ông Cao Chính Thức áp dụng đồng bộ các phương pháp tiết kiệm điện. Sử dụng đèn led chiếu sáng; Hệ thống quạt sử dụng hộp giảm tốc có số để điều chỉnh tốc độ quay theo nhu cầu, phù hợp với độ tuổi của tôm, mật độ nuôi; Hạ thấp trục động cơ đồng trục với trục quay của giàn quạt làm giảm lực cản khi vận hành; áp dụng mô hình cải tiến, sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ “U” tiết kiệm điện hơn 15%
Trong những năm gần đây, quy trình nuôi tôm thâm canh được bà con áp dụng rộng rãi giúp tôm tăng trưởng đều, năng suất cao đồng thời ngăn chặn được các dịch bệnh nguy hiểm. Ông Cao Chính Thức, có 03 ao nuôi theo hình thức thâm canh mật độ cao với tổng diện tích 4.000m2. Trong đó, ông quy hoạch 02 ao nuôi (1.200m2/ao) để lắp bạt, hệ thống quạt và 01 ao lắng (1.600m2). Từ cuối năm 2019 đến nay, qua các vụ nuôi, tuy không “lời đậm”, nhưng ông đều thành công. 
Ông Cao Chính Thức chuẩn bị ao nuôi theo hình thức thâm canh mật độ cao
Từ kinh nghiệm thực tiễn, cùng với học tập từ các nông nuôi hiệu quả tại địa phương, ông Cao Chính Thức đã áp dụng đồng bộ các phương pháp tiết kiệm điện: sử dụng đèn led chiếu sáng ở tất cả các lối đi và xung quanh ao nuôi; hệ thống quạt được sử dụng hộp giảm tốc có số để điều chỉnh tốc độ quay theo nhu cầu, phù hợp với độ tuổi của tôm, mật độ nuôi; hạ thấp trục động cơ đồng trục với trục quay của giàn quạt làm giảm lực cản khi vận hành; áp dụng mô hình cải tiến, sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ “U” tiết kiệm điện hơn 15%.
Ông Cao Chính Thức cho biết, nếu như trước đây tôi sử dụng gối đỡ chữ “U” đỡ trục quay quạt làm tăng ma sát ở các vị trí đỡ, động cơ chạy nặng hơn, tốn nhiều điện hơn thì từ khi sử dụng gối đỡ con lăn đỡ trục dàn quạt oxy trơn, làm giảm ma sát khi dàn quạt quay đã góp phần tiết kiệm điện năng tiêu thụ của động cơ.
Ngoài ra, để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thời gian bơm nước dự phòng ở ao lắng để thay và bổ sung nước cho 02 ao nuôi cũng được ông chủ động tránh giờ cao điểm nhằm giảm giá điện. Ông Cao Chính Thức khẳng định: "Tôi không tính được cụ thể số tiền điện tiết kiệm mỗi vụ nuôi là bao nhiêu, nhưng qua tư vấn, tính toán của nhân viên Điện lực Duyên Hải, nếu không áp dụng đồng bộ các phương pháp tiết kiệm điện như đã nêu trên, tôi sẽ đóng thêm tiền điện từ 10-15 triệu đồng/vụ nuôi/03 tháng".
Hàng năm ngành công nghiệp nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh tiêu thụ một lượng điện năng rất lớn và không ngừng gia tăng do diện tích nuôi thả ngày càng được mở rộng. Vì thế, nhiều giải pháp về tiết kiệm điện trong nuôi tôm được triển khai đã góp phần giảm áp lực cho nguồn cung cấp điện, đồng thời giúp người canh tác tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Khánh An