"Tuyệt chiêu" xử lý rác của Singapore
Thứ sáu, 12/11/2021 - 08:02
Nổi tiếng xanh - sạch hàng đầu thế giới, Singapore được hãng tin Reuters đánh giá là quốc gia Đông Nam Á có lời giải khá trọn vẹn cho bài toán rác thải nhờ đầu tư vào công nghệ đốt rác phát điện, đẩy mạnh tái chế rác thải.
Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) cho biết hiện mỗi ngày nước này thải ra khoảng 21.023 tấn rác các loại, trong đó 58% lượng rác được đưa đến các nhà máy tái chế, 41% chuyển đến các nhà máy đốt rác phát điện, 2% không đốt được, mang đến bãi chôn lấp Semakau xử lý. Việc đốt rác phát điện giúp Singapore giảm đến 90% lượng chất thải rắn phải chôn lấp, đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng cả nước.
Không chỉ có bãi rác thân thiện với môi trường, hòn đảo Semakau còn là điểm du lịch hút khách bởi hệ sinh thái phát triển đa dạng .Ảnh: NEA
Năm 1979, Singapore xây dựng nhà máy đốt rác đầu tiên, đến nay có thêm 3 nhà máy như vậy.
Không chỉ thế, báo chí quốc tế tốn không ít giấy mực về chiến lược biến rác thải thành đảo du lịch Semakau của Singapore. Năm 1999, đảo quốc này quyết định đầu tư kinh phí 646 triệu USD để biến Semakau thành bãi rác trên biển đầu tiên với công suất hoạt động đến năm 2045. Để tạo ra Semakau, chính phủ di dân 2 hòn đảo Pulau Semakau và Pulau Sakeng vào đất liền.
Số rác chôn lấp tại đảo Semakau là tro rác và rác không đốt cháy được. Sau khi đổ tro vào những ô trống được chuẩn bị sẵn, người ta còn lấp đất lên. Mục đích là dụ các loài côn trùng và chim chóc đến làm màu mỡ cho đất. Ý tưởng này thành công ngoài mong đợi khi Semakau hiện là điểm quan sát chim nổi tiếng bậc nhất của Singapore.
Bên cạnh những nỗ lực trên, các nhà khoa học Singapore luôn cố gắng tìm cách tái chế rác thải. Đơn cử, nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS) biến những chai nhựa được làm từ nhựa polyethylene terephthalate (PET) thành vật liệu siêu nhẹ aerogel có nhiều tiềm năng ứng dụng trong đời sống. Dù có nghĩ ra biện pháp xử lý rác gì đi nữa, điều quan trọng vẫn là ý thức của người dân: giảm rác thải ngay từ đầu, tái sử dụng và tái chế (3R: Reduce, Reuse và Recycle) mới giảm sức ép cho hệ thống xử lý rác.
Theo Người Lao Động