Phát triển điện gió tại Việt Nam cần tính đến nhiều yếu tố tổng thể
Thứ ba, 16/11/2021 - 07:40
Mới đây, công ty tư vấn McKinsey đã công bố báo cáo về năng lượng gió tại Việt Nam, trong đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển nguồn điện này để phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí cacbon. Để rõ hơn về một số lợi ích cũng như kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực điện gió, lãnh đạo McKinsey đã có những trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
McKinsey đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam?
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng gió, vừa giúp bổ sung công suất điện “sạch” với hiệu suất chi phí tốt, đồng thời mang lại lợi ích tài chính cho đất nước cũng như các nhà phát triển năng lượng tái tạo. Sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên, đặc biệt ở khu vực ngoài khơi, Việt Nam hiện đứng trước cơ hội có ý nghĩa to lớn để tăng công suất điện gió…
Với 3.000 km đường bờ biển và sức gió từ 5,5 đến 7,3 mét/giây (không tính biến động theo mùa), các cơ quan khác nhau đã ước tính rằng tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể dao động từ 160 GW (theo Cơ quan Năng lượng Đan Mạch) đến gần 500 GW (theo Ngân hàng Thế giới).
Các con số về đầu tư FDI và khu vực tư nhân vào các dự án năng lượng mặt trời cho thấy tiềm năng tài chính cho lĩnh vực này khá dồi dào, bên cạnh đó, các ngân hàng ngày càng sẵn sàng tài trợ cho các dự án này với lãi suất một con số. Nhiều doanh nghiệp tiên phong đã và đang khởi động một số dự án điện gió quy mô lớn tại Việt Nam.
Với tiềm năng như vậy, điện gió sẽ mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu chuyển dịch năng lượng cũng như các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu?
Theo nghiên cứu chúng tôi thực hiện từ năm 2019, việc phát triển năng lượng tái tạo (trong đó có điện gió) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước, gia tăng hiệu quả chi phí. Việt Nam có mức tăng trưởng về nhu cầu điện năng cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 265 TWh vào năm 2020 lên ước tính 572 TWh vào năm 2030. Năng lượng gió ngoài khơi có thể được xây dựng ở quy mô thực sự lớn, góp phần bổ sung đáng kể vào tổng công suất nguồn điện. Ngoài ra, chi phí năng lượng cân bằng (LCoE) của điện gió đang giảm đáng kể, và trong tương lai, điện gió có thể trở thành giải pháp với hiệu suất chi phí tốt nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam.
Thứ hai, định vị Việt Nam là một phần trong xu hướng toàn cầu hướng tới phi cacbon hóa. Các doanh nghiệp đang tìm cách giảm phát thải phạm vi 2 và 3 trong chuỗi cung ứng của họ, sẽ ưu tiên đặt trụ sở tại các quốc gia có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao. Việc tăng cường năng lượng gió sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến cho các công ty toàn cầu đầu tư cơ sở sản xuất của họ tại đây. Trên toàn cầu, biến đổi khí hậu và phi cacbon hóa ngày càng nhận được sự quan tâm và ưu tiên của mọi thành phần trong xã hội. Các doanh nghiệp hàng đầu, người tiêu dùng, nhà đầu tư và chính phủ trên khắp thế giới đang chung tay thực hiện các mục tiêu tham vọng này, và trở thành một phần của sư dịch chuyển này sẽ có thể tạo cơ hội cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như hợp tác quốc tế, thương mại và đầu tư, v.v..
Thứ ba, tăng khả năng tự cung cấp năng lượng. Việt Nam hiện phải nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cho nhiều nhà máy nhiệt điện. Đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo trong nước có thể giúp tăng cường khả năng phục hồi của Việt Nam và hỗ trợ đầu tư cho các dự án trong nước.
Phát triển điện gió tại Việt Nam cần tính đến nhiều yếu tố tổng thể (Ảnh minh hoạ)
Việt Nam nhận thức rất rõ về lợi ích của điện gió, tuy nhiên, nếu phát triển quy mô lớn nhưng hạ tầng chưa đáp ứng được sẽ ảnh hưởng tới nhà đầu tư và việc cung cấp điện. Theo kinh nghiệm của McKinsey, cũng như kinh nghiệm thực tiễn về sự bùng nổ điện mặt trời trong thời gian vừa qua, Việt Nam cần làm gì để giải quyết tình trạng này?
Việc đầu tư cho bất kỳ nguồn điện nào ở Việt Nam đều cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện. Không phải chỉ riêng năng lượng gió mới như vậy. Trên thực tế, các nhà máy điện gió ngoài khơi thường có hệ số phụ tải tương tự như các nhà máy nhiệt điện và có cấu hình phát điện ổn định hơn so với điện gió trên bờ hoặc năng lượng mặt trời.
Mặc dù vậy, việc cân bằng nhu cầu thị trường với cung ứng năng lượng là cần thiết. Chúng tôi thấy rằng, các mục tiêu năng lượng mặt trời cho năm 2020 đã được đăng ký quá mức do được hưởng giá FIT hấp dẫn từ chính phủ. Do đó, chính phủ đang hướng đến cơ chế đấu giá để xác định công suất điện được đấu giá mỗi năm.
Đối với điện gió, có thể xem xét áp dụng mô hình đấu giá tương tự, trên cơ sở phân tích nhu cầu của từng tỉnh/vùng trong cả nước; quy hoạch phát triển điện địa phương và quốc gia; năng lực cơ sở hạ tầng hiện có và nhu cầu phát triển; các lộ trình tích hợp năng lượng tái tạo; yêu cầu phát triển điện gió với thời gian dài hơn và độ phức tạp cao hơn so với các năng lượng tái tạo khác, v.v.
Sự hợp tác giữa các cơ quan cấp tỉnh với các nhà đầu tư và nhà phát triển điện gió sẽ rất quan trọng trong việc điều chỉnh, thống nhất hướng phát triển của mỗi dự án phù hợp với nhu cầu năng lượng của địa phương. Để làm được như vậy, cần truyền thông rõ ràng về giá trị của mỗi dự án trong bối cảnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh.
Cũng như các thị trường mới nổi khác, Việt Nam có nhiều cơ hội cho việc hợp tác công - tư để phát triển một hệ sinh thái năng lượng tái tạo rộng lớn hơn trong dài hạn - một hệ sinh thái có chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực và công nghệ địa phương mạnh mẽ. Ví dụ, việc thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong cả lĩnh vực sản xuất điện tái tạo cũng như lĩnh vực Truyền tải & Phân phối (T&D) có thể cho phép Việt Nam thu hút các nhà đầu tư để cùng một lúc tạo ra các dự án điện gió và cơ sở hạ tầng lưới điện.
McKinsey có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm phát triển điện gió ở các quốc gia có bối cảnh và nguồn lực tương đồng như Việt Nam?
Hiện tại, trong ASEAN, không có quốc gia nào hoàn toàn tương đồng về bối cảnh và nguồn lực như Việt Nam. Tuy nhiên, đã có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư đáng kể vào điện gió trên đất liền và ngoài khơi với quy mô lớn (như Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Đức, Đài Loan, v.v.). Dù không giống nhau, nhưng có những bài học kinh nghiệm hữu ích với Việt Nam như:
Cân bằng giữa phát triển điện gió với nhu cầu tổng thể và nguồn cung chưa được sử dụng là yêu cầu then chốt. Việc áp dụng cơ chế cạnh tranh thông qua đấu giá sẽ khuyến khích công nghệ hiệu suất cao, giảm dần giá điện tái tạo mới. Tuy nhiên, cần cẩn trọng trong việc tích hợp các dự án điện gió vào quy hoạch cảnh quan và quy hoạch địa phương, do các công trình điện gió thường có quy mô đồ sộ. Đồng thời bản địa hóa các hoạt động nhất định của chuỗi giá trị điện gió, nhằm tạo việc làm và phát triển kinh tế địa phương
Nhiều nước Asean có chung đặc điểm, mục tiêu tương tự với Việt Nam như tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo; sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế với số lượng nhỏ nhưng đang tăng nhanh; cơ chế ưu đãi tài chính và phi tài chính để hỗ trợ FDI; và tiềm năng to lớn về điện gió.
Asean và Việt Nam có thể đẩy nhanh việc phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ giúp nâng cao hiệu suất năng lượng trong toàn khu vực theo một số cách như: Xây dựng năng lực cho phép thiết lập mô hình rủi ro khí hậu và đánh giá biến đổi khí hậu từ góc độ kinh tế; Đầu tư vào nhiều đòn bẩy đa dạng cho sự bền vững bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, mở rộng công suất lưới điện và tăng khả năng chống chịu để hỗ trợ tăng cường điện khí hóa, trang bị công nghệ, thiết bị mới cho các tòa nhà, cũng như phát triển và triển khai các công nghệ để phi cacbon hóa các ngành công nghiệp nặng; Tăng cường cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp.
Phối hợp triển khai cơ sở hạ tầng quy mô lớn có sự kết nối với nhau và có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Nhà nước thực hiện vai trò điều phối rõ ràng để tạo điều kiện tương tác, trao đổi thông tin giữa các chủ thể, đưa ra các quy định khung về cơ chế đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư, và thiết lập các mốc thời gian triển khai ở quy mô vùng/ khu vực. Thúc đẩy khu vực công bao tiêu đầu ra bằng cách khuyến khích các chủ quản lý cơ sở hạ tầng áp dụng các giải pháp tiêu dùng xanh, nâng cao hiệu suất năng lượng.
Xin trân trọng cảm ơn.
Theo: Báo Công Thương