Chuyển đổi số trong quản lý, vận hành công trình điện tại Tổng công ty Phát điện 1
Thứ hai, 10/01/2022 - 08:02
Mới đây, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) tổ chức "Hội thảo BIM và SCAN-TO-BIM" nhằm trang bị phương pháp quản lý tiến tiến trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, sửa chữa nhà máy điện và các công trình liên quan.
Với mục tiêu nhằm trang bị một trong những phương pháp quản lý tiến tiến nhất trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, sửa chữa nhà máy điện và các công trình liên quan cho gần 100 lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tổng công ty, việc áp dụng công nghệ BIM được đánh giá sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình điện.
Hiện nay công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng rộng rãi vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với lĩnh vực xây dựng công trình, công nghệ thông tin được áp dụng vào tất cả các khâu từ thiết kế, thi công, vận hành, bảo trì... Một trong những ứng dụng hiệu quả là công nghệ BIM (Building Information Modeling), đây là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong công trình xây dựng, từ giai đoạn thiết kế (hồ sơ bản vẽ), thi công (quản lý khối lượng, lập biện pháp, an toàn lao động…), quản lý công trình (bảo trì các máy móc, thiết bị) và xuyên suốt vòng đời của công trình. Có thể thấy được những điểm mới, ưu điểm nổi bật về quản lý chất lượng, tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án khi áp dụng BIM và SCAN TO BIM trong các giai đoạn của dự án, bao gồm giai đoạn thiết kế, giai đoạn thi công, giai đoạn quản lý vận hành, quản lý tài sản của dự án sau khi hoàn thành đi vào vận hành.
Tổng công ty Phát điện 1 đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, vận hành các công trình điện
Xác định tất cả CBCNV chính là trung tâm, là nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số và văn hóa doanh nghiệp, sẽ là chìa khóa nền tảng của chuyển đổi số tại EVNGENCO1, trong năm 2021, EVNGENCO1 đã tiến hành thí điểm áp dụng BIM cho các dự án đầu tư xây dựng mới, cụ thể là Dự án cải tạo và nâng cấp hệ thống cung cấp nước thô cho Trung tâm Điện lực Duyên Hải và Dự án nâng cấp và cải tạo hệ thống xử lý nước các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 MR. Việc áp dụng BIM ban đầu tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đã đạt được những kết quả và hiệu quả nhất định. Cùng với việc áp dụng BIM trong công tác đầu tư xây dựng, việc áp dụng BIM trong công tác quản lý vận hành sửa chữa công trình cũng vô cùng quan trọng và cần thiết, đặc biệt đối với các dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng và chưa có điều kiện áp dụng công nghệ BIM và SCAN-TO-BIM.
Những lợi ích mà BIM mang lại cho vận hành, bảo trì công trình phải kể đến đó là giúp nâng cao năng suất lao động nhờ vào việc rút ngắn thời gian và giảm chi phí trong quá trình vận hành cho công trình. Trên thực tế, quá trình vận hành công trình chiếm tới 80% tổng chi phí vòng đời của công trình, nếu có thể tiết kiệm được chi phí vận hành sẽ tiết kiệm được chi phí vòng đời cho công trình và còn mang lại nhiều lợi ích khác như phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Thông qua hội thảo BIM và SCAN-TO-BIM, ông Nguyễn Trọng Nam nhận xét: "Hội thảo sẽ giúp thêm cơ sở để đánh giá khách quan toàn diện hơn về các ưu điểm, hạn chế của việc áp dụng BIM và SCAN-TO-BIM cho doanh nghiệp. Qua đó, nhằm hoàn thiện các quy trình, quy định và áp dụng ngày càng hiệu quả hơn trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý vận hành và bảo dưỡng công trình năng lượng, đồng thời tạo cơ hội hợp tác, cùng phát triển giữa hai doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi số."
Đỗ Hạnh