Khách sạn JW Marriott Hà Nội và giải pháp tiết kiệm năng lượng bền vững
Thứ bảy, 15/01/2022 - 13:47
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp tiết kiệm năng lượng, điện năng sử dụng của khách sạn JW Marriott Hà Nội đã giảm từ gần 15 triệu kWh (năm 2014) xuống còn gần 11,2 triệu kWh (năm 2020), tương đương đã giảm phát thải CO2 từ 7.855 tấn (năm 2014) xuống còn 5.600 tấn (năm 2020).
Khách sạn JW Marriott Hà Nội do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư được thiết kế 9 tầng với 450 phòng nghỉ, đây là một trong những khách sạn lớn nhất Thủ đô Hà Nội, được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2013. Đến năm 2014, khách sạn JW Marriott Hà Nội nhận giải “Khách sạn có thiết kế và xây dựng đẹp nhất” khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với mật độ xây dựng khoảng 20%, tỷ lệ cây xanh ước tính khoảng 80% đã giúp nhiệt độ không khí xung quanh của khách sạn được giảm 1-2oC nhờ hệ thống hồ nước và công viên cây xanh. Bên cạnh đó, khách sạn JW Marriott còn sử dụng kính chịu nhiệt trong suốt kết hợp hệ thống rèm điều khiển tự động, tạo không gian sống hiện đại, mới mẻ, sang trọng, hài hòa với mọi khung trời và tạo cảm nhận dịu nhẹ mát mẻ ngay cả trong những ngày nắng nóng oi bức.
Ngoài ra, khách sạn cũng được thiết kế theo nguyên tắc tận dụng ánh sáng tự nhiên và làm giảm ảnh hưởng của nguồn nhiệt trực tiếp từ mặt trời. Vật liệu được sử dụng bao gồm: các loại vật liệu hạn chế tác động tới môi trường, tiết kiệm nhiên nhiệu và tránh thất thoát năng lượng như: gỗ nhân tạo, vách thạch ca, cách âm, cách nhiệt, chống cháy…
Khách sạn JW Marriott là một trong số những công trình năng lượng xanh tiêu biểu của thủ đô Hà Nội.
Với phương châm “Kinh doanh gắn với phát triển bền vững”, khách sạn đã xây dựng kế hoạch dài hạn đến năm 2025 sẽ tiếp tục giảm sử dụng năng lượng và nước trong mọi hoạt động, luôn hướng về cộng đồng và có trách nhiệm với cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc kỹ thuật JW Marriott cho biết: “Xác định tiết kiệm năng lượng là trọng tâm để giảm thiểu tác động đến môi trường, do đó tiêu chí hoạt động của khách sạn là: Chỉ cung cấp vừa đủ năng lượng, không lãng phí; Thực thi tiết kiệm năng lượng ở tất cả những gì có thể dù là nhỏ nhất; Ứng dụng giải pháp năng lượng với chi phí đầu tư ít nhất, thu hồi vốn đầu tư nhanh nhất để nguồn tiết kiệm đó sẽ tiếp tục đầu tư cho các giải pháp tiếp theo. Do đó, trong 7 năm qua, tỉ lệ chi phí điện/doanh thu đã giảm từ 8,1% năm 2014 xuống còn 5,0% năm 2020. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, JW Marriott chỉ sử dụng gần 11,2 triệu kWh, tỉ lệ TKNL đạt 10%.”
Từ khi đi vào hoạt động, các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả luôn được khách sạn thực hiện bao gồm: Tuyên truyền, đào tạo về tiết kiệm năng lượng cho toàn bộ cán bộ công nhân viên và khách hàng; Sử dụng đèn LED của hệ thống chiếu sáng; Cải tạo tháp giải của hệ thống điều hòa không khí từ hệ kín sang hệ hở; Lắp bơm nhiệt – không sử dụng dầu cho lò đun nước nóng; Lắp đặt thêm 01 chiller nhỏ 110 ton, sử dụng hữu ích trong thời kỳ mùa Thu-Đông-Xuân và giảm thiểu số giờ chạy hai chiller to trong năm...
Thông điệp tiết kiệm năng tại các khu vực nhân viên
Cụ thể, hằng năm khách sạn tổ chức đào tạo cho toàn tộ cán bộ công nhân viên về bảo tồn năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm nâng cao ý thức mỗi cá nhân trong việc chung tay bảo tồn năng lượng. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả cũng được chỉ ra cụ thể các khu vực trong các buổi họp hàng ngày của các trưởng bộ phận. Theo đó, phòng kỹ thuật sẽ có trách nhiệm tìm ra những bất thường để khắc phục ngay lập tức. Chi phí năng lượng ngày – tuần – tháng – năm được phổ biến cụ thể cho toàn khách sạn biết để thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hệ thống chiếu sáng bên trong và bên ngoài khách sạn được thiết kế theo hướng hiện đại, sử dụng tối đa ánh sáng mặt trời. Ngay từ đầu, khách sạn đã đầu tư bóng đèn tiết kiệm điện và được lắp đặt ở hầu hết các khu vực. Đặc biệt, đối với khu vực phòng họp có điều khiểu dimmer, điều chỉnh mức sáng phù hợp với các nhu cầu sử dụng khác nhau.
Tại hệ thống tháp giải nhiệt được khách sạn cải tạo từ hệ kín sang hệ hở, ông Nguyễn Văn Chính cho biết: “Nếu hệ thống tháp giải nhiệt cũ là hệ kín, không đáp ứng đủ giải nhiệt cho chiller vào mùa hè (từ tháng 4 tới tháng 9), dẫn đến không đảm bảo tiêu chuẩn nhiệt độ và lãng phí năng lượng thì việc cải tạo lại thống tháp giải nhiệt kín sang hệ tuần hoàn hở đã giúp tiết kiệm tới 30% năng lượng, tương đương 3 tỉ đồng/năm.”
Tháp giải nhiệt hệ hở giúp tiết kiệm 30% năng lượng
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2017, khách sạn đã lắp đặt hệ thống bơm nhiệt, tận dụng nhiệt độ cao các khu vực phòng máy, giặt là để cung cấp nước nóng, đồng thời cung cấp không khí lạnh làm mát phòng máy và khu vực giặt là. Sau khi lắp đặt 12 bơm nhiệt, khách sạn gần như không cần sử dụng lò đun nước nóng, tiết kiệm lượng dầu tiêu thụ để đun nước nóng cung cấp cho nhu cầu sử dụng.
Đến năm 2018, khách sạn JW Marriott lắp đặt thêm 01 chiller nhỏ với chi phí đầu tư thấp và tiết kiệm điện năng khi vận hành tối ưu phù hợp với sự thay đổi của thời tiết (mùa thu, mùa đông, mùa xuân). Ngay sau đó, năm 2019, khách sạn tiếp tục thay thế 03 tháp giải nhiệt hệ hở mới tiết kiệm điện năng, hiệu quả hơn và thay đổi vị trí lắp đặt, tăng lưu lượng gió. Trên cơ sở thực tế kinh doanh của năm 2016 và 2019, mức tiết kiệm năng lượng mà khách sạn đạt được sau khi áp dụng các giải pháp kể trên khoảng 36%/năm.
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp tiết kiệm năng lượng, điện năng sử dụng của khách sạn đã giảm từ gần 15 triệu kWh (năm 2014) xuống còn gần 11,2 triệu kWh (năm 2020), tương đương đã giảm phát thải CO2 từ 7.855 tấn (năm 2014) xuống còn 5.600 tấn (năm 2020)
Năm 2021, khách sạn JW Marriott Hà Nội đã đạt giải nhất hạng mục công trình xây dựng cải tạo thuộc Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng năm 2021" do Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức. |
Mai Anh