[In trang]
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp để sử dụng năng lượng hiệu quả
Thứ ba, 29/03/2022 - 07:35
Trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiều giải pháp, chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng TKHQ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Bộ đã đăng ký với Quốc hội về việc sửa đổi Luật sử dụng năng lượng TKHQ theo hướng đẩy mạnh hơn nữa các mục tiêu, chế tài, giải pháp sử dụng năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.

Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã đặt mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của tất cả các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, vai trò hỗ trợ, thúc đẩy của các cơ quan quản lý cũng là yếu tố rất quan trọng. Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ về các mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hoạt động của chương trình VNEEP nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương).

Các yếu tố ảnh hưởng sử dụng năng lượng hiệu quả

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cường độ sử dụng năng lượng trong nền kinh tế, trong đó ba yếu tố quyết định là cơ cấu ngành nghề trong nền kinh tế vĩ mô, trình độ công nghệ và ý thức sử dụng năng lượng. 

Cơ cấu của các ngành nghề là yếu tố đầu tiên quyết định cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế. Chẳng hạn, để tạo ra một đơn vị tăng trưởng thì có một số lĩnh vực luôn yêu cầu cường độ năng lượng cao. Xét trong bối cảnh hiện tại, các ngành sử dụng nhiều năng lượng trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam chiếm tỷ trọng tương đối cao, như công nghiệp nặng, sắt thép, xi măng... Bên cạnh đó, nền kinh tế nói chung đang trong giai đoạn phát triển nhanh, năng động. Kinh tế phát triển nhanh thì nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng tương xứng. 

Yếu tố quyết định tiếp theo là công nghệ. Công nghệ càng hiện đại thì hiệu quả sử dụng năng lượng càng cao và ngược lại. Do đó, để đạt được hiệu quả sử dụng năng lượng chung cần xét đến mặt bằng công nghệ đang được sử dụng trong các cơ sở sản xuất, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vì các cơ sở này chiếm tới gần 50% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nền kinh tế. 

Yếu tố thứ 3 là ý thức sử dụng năng lượng. Cùng một công nghệ, giải pháp nhưng nếu người sử dụng có ý thức tiết kiệm thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Ví dụ đơn giản, cùng sử dụng bóng đèn LED, người có ý thức đi ra khỏi phòng tắt đèn thì chắc chắn sử dụng điện tiết kiệm hơn người không tắt đèn. 

Trên đây là 3 yếu tố chính tác động đến chỉ số cường độ năng lượng của một cơ sở, rộng hơn là quốc gia. 

Mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng điện năng tiêu thụ

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TKHQ) đã trở thành quốc sách, được luật hóa và thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, việc phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019- 2030 (VNEEP 3) với mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ, tương đương từ 60-80 triệu tấn TOE, càng cho thấy quyết tâm của hệ thống chính trị về vấn đề này.

Đây là mục tiêu tham vọng, tuy nhiên có thể hiện thực hóa khi có sự nỗ lực, phối hợp thực hiện của tất cả các thành phần kinh tế. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp đã được xác định còn nhiều dư địa cho tiết kiệm năng lượng, với tiềm năng lên tới 20-30%. 

Trong khuôn khổ Chương trình VNEEP nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng TKHQ đã được triển khai tới tất cả các thành phần kinh tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, nhiều chương trình, hoạt động của Chính phủ, các Bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang triển khai nhằm thúc đẩy các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp, sản xuất và cả tiêu dùng nói chung. Đồng thời cũng nhằm loại bỏ dần các công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng. 

Cụ thể, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều thông tư quy định các định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm như thép, chế biến thủy-hải sản, giấy, nhựa, đường mía… Đến nay, có thể nói hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng TKHQ tương đối đầy đủ, đồng bộ để thúc đẩy, khuyến khích các ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.  

Để nâng cao ý thức sử dụng năng lượng, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực truyền thông, nâng cao nhận thức cho mọi cá nhân thông qua các kênh truyền thông đại chúng, cơ sở, trường học, chương trình, hoạt động. Chẳng hạn, từ năm 2006 Chương trình VNEEP bắt đầu triển khai với nhiều hoạt động, chiến dịch truyền thông phủ sóng rộng rãi trên cả nước, tuyên truyền về ý nghĩa và cách tiết kiệm điện cho mọi cá nhân, tổ chức. Theo khảo sát đánh giá giai đoạn 1, trên 90% người dân được hỏi cho biết đã hiểu về ý nghĩa của việc tiết kiệm điện, đồng thời biết thêm nhiều cách sử dụng năng lượng TKHQ.

Trong các giai đoạn tiếp theo, Chương trình cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp, như Cuộc thi sáng tác logo và slogan tiết kiệm điện, Giải thưởng sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất và Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - xây dựng… thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, doanh nghiệp và công trình tham gia. Điều này cho thấy ý thức của đại bộ phận người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong vấn đề sử dụng năng lượng TKHQ đã được nâng lên đáng kể.

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng 

Trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiều giải pháp, chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng TKHQ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Bộ đã đăng ký với Quốc hội về việc sửa đổi Luật sử dụng năng lượng TKHQ theo hướng đẩy mạnh hơn nữa các mục tiêu, chế tài, giải pháp sử dụng năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. 

Doanh nghiệp đã được chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ kỹ thuật và vay vốn thực hiện dự án đẩy mạnh sử dụng năng lượng TKHQ.

Về cơ chế thúc đẩy, Bộ cũng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp, dự án tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu hình thành một quỹ thí điểm thúc đẩy sử dụng năng lượng TKHQ. Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3), chúng tôi đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp được chọn để xây dựng cơ chế và thí điểm thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. 

Một dự án khác, Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE), không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng, mà cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ năng lượng (như ESCO), đơn vị hỗ trợ vốn vay đầu tư TKNL… từ đó thúc đẩy hệ sinh thái dịch vụ năng lượng nói chung. 

Các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ thực hiện các giải pháp quản lý năng lượng thông minh, quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001, kiểm toán năng lượng, áp dụng giải pháp/công nghệ thay thế nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng TKHQ. 

Như vậy, các doanh nghiệp đã được chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ, từ kỹ thuật tới phương án vay vốn, để đẩy mạnh hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí và thực hiện các nghĩa vụ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải theo định hướng chiến lược phát triển quốc gia. 

An Nhiên ghi