Ngành xi măng có 36 dây chuyền lắp đặt hệ thống phát điện từ nhiệt dư
Thứ hai, 16/05/2022 - 19:00
Tính đến hết năm 2021, toàn ngành xi măng có 25 dây chuyền sản xuất lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư (WHR) và 11 dây chuyền đang đầu tư xây dựng. Như vậy tổng cộng mới có 36 dây chuyền trên tổng số 59 dây chuyền phải lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành sản xuất xi măng Việt Nam hiện đứng thứ 3 Thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Cả nước hiện có khoảng 90 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất 110 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất tăng thêm 20% nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia. Quy mô ngành xi măng vẫn tiếp tục được bổ sung công suất khi một loạt dự án đầu tư lớn đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Dự kiến, năm 2022 sẽ có thêm 3 dây chuyền mới đi vào vận hành, với công suất 8,8 triệu tấn.
Sản xuất xi măng là lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện nên hầu hết các nhà máy đều ưu tiên lựa chọn công nghệ tiết kiệm điện năng.
Khi năng lực sản xuất ngày càng lớn, ngành xi măng càng phải không ngừng hoàn thiện về giảm bớt phát thải, giảm tiêu hao năng lượng. Để đạt mục tiêu giảm phát thải, các dây chuyền sản xuất xi măng phải đầu tư hệ thống phát điện nhiệt dư. Cụ thể, Chiến lược Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 quy định, đến hết năm 2025, tất cả dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải.
Cùng với tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, các nhà máy xi măng cũng phải đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường và phải đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
25 dây chuyền xi măng đã lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt dư (WHR).
Theo số liệu từ Báo cáo ngành xi măng năm 2021, hết năm 2021, mới có 25 dây chuyền xi măng lắp đặt hệ thống WHR và 11 dây chuyền đang đầu tư. Như vậy, tổng cộng mới có 36 dây chuyền trong tổng số 59 dây chuyền phải lắp đặt WHR theo quy định.
Trong danh mục các dự án đã đầu tư hệ thống WHR, có thể thấy, các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân và FDI, liên doanh đã sớm chú trọng tận dụng nhiệt thừa để phát điện. Đó là 2 dây chuyền sản xuất clinker của Chinfon 1 và 2 tại Hải Phòng (vận hành từ năm 2014), Insee - Kiên Giang (năm 2012), Xi măng Vissai 3 và 4 tại Hà Nam (2016 - 2016), Vissai Ninh Bình 1 và 2 (năm 2018), 3 dây chuyền của Xi măng Thành Thắng, 3 dây chuyền của Xi măng Long Sơn…
Danh sách 11 dây chuyền sản xuất xi măng đang đầu tư xây dựng hệ thống phát điện nhiệt dư (WHR).
Trong khi đó, khối doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) mới có duy nhất dây chuyền của Vicem Hà Tiên 2 đầu tư hệ thống WHR (năm 2002). Một số nhà máy của Vicem đang mời thầu để đầu tư hệ thống này.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, những dự án xi măng gần đây đều đầu tư lắp đặt hệ thống WHR ngay trong quá trình xây dựng nhà máy. Các chủ đầu tư đều thiết kế đồng bộ nhà máy phát điện tận dụng nhiệt khí thải nhằm tiết kiệm chi phí và bảo đảm kỹ thuật cao trong sản xuất, như Xuân Thành, Long Thành, Thành Thắng, Long Sơn. Đối với các dự án chưa đầu tư WHR, trong bước tiếp theo sẽ phải hoàn thiện đầu tư lắp đặt hệ thống này.
Lãnh đạo nhà máy Xi măng Vissai Hà Nam cho biết, Vissai Hà Nam đã thiết kế và lắp đặt hệ thống WHR để phát điện, với công suất thiết kế 7 MW, đáp ứng được 20 - 25% nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất.
Trong khi đó, Tập đoàn Xi măng Thành Thắng có 4 dây chuyền sản xuất xi măng thì cả 4 dây chuyền đều được lắp đặt WHR ngay trong quá trình xây dựng. Lượng điện tự sản xuất đã đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất.
Trên thực tế, nếu không tăng tốc đầu tư hệ thống WHR, xuất khẩu xi măng sang các thị trường tiêu chuẩn cao trong tương lai thì sẽ đối mặt với thuế carbon. VNCA từng bảy tỏ quan ngại rằng, việc xuất khẩu xi măng sang các thị trường Mỹ, EU... sẽ khó khăn hơn do bị áp thuế phát thải carbon.
Theo: Ximang.vn