[In trang]
Daikin cải thiện điều hòa không khí cho mục tiêu net-zero
Thứ sáu, 10/06/2022 - 07:32
Phát triển và phổ biến công nghệ điều hòa không khí (DHKK) với chi phí mà đa số người dân có thể chấp nhận, là yếu tố quyết định lĩnh vực này có thể đóng góp hiệu quả cho mục tiêu net-zero vào năm 2050. Đây là nhận định của ông Masanori Togawa, CEO Daikin - nhà sản xuất ĐHKK lớn hàng đầu thế giới.

Cơ hội và thách thức cho ngành DHKK 

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2050 nhu cầu DHKK sẽ tăng gấp ba hiện tại. Đặc biệt tại các thị trường mới nổi như khu vực Đông Nam Á, châu Phi. Ông Masanori Togawa, CEO Tập đoàn Daikin nhận định, nóng lên toàn cầu cũng là cơ hội cho ngành điều hòa không khí và triển vọng thị trường của ngành là rất khả quan.

Xét từ khía cạnh kinh tế, DHKK không chỉ giải quyết vấn đề làm mát hay sưởi ấm cho cá nhân hay gia đình, nó còn đóng góp cho hiệu quả làm việc của xã hội. “Điều hòa không chỉ làm mát hay sưởi ấm, nó còn là công cụ điều chỉnh các chỉ số sinh trắc môi trường phù hợp với sức khỏe con người như độ ẩm, thông gió… Một văn phòng, nhà máy không thể hoạt động hiệu quả nếu không có hệ thống điều hòa không khí”, ông Togawa cho biết. Đồng thời ông Togawa khẳng định, nếu cân nhắc việc phổ biến DHKK có thể giúp giảm số trường hợp thương vong sau mỗi đợt nắng nóng toàn cầu, thì “ngành thương mại này có thể đóng góp tích cực cho xã hội”. 

CEO Daikin ông Masanori Togawa (bên phải) và Hiệu trưởng trường ĐH Kyoto trong buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 5 tỷ Yên (tương đương 37,3 triệu USD) trong các lĩnh vực công nghệ, vật liệu, kiến trúc, chuỗi cung ứng lạnh và y tế. Ảnh: Daikin.

Tuy nhiên, vấn đề là DHKK không thuộc loại sản phẩm thân thiện môi trường. Các hệ thống DHKK rất tốn điện. Đồng thời, về cơ bản chúng vẫn phụ thuộc nhiều vào các môi chất làm lạnh chứa nhiều hợp chất gây thủng tầng ozon. Nếu thị trường diễn biến theo đúng dự báo của IEA thì đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng điện cũng sẽ tăng nhiều lần tới năm 2050. Vị CEO khẳng định, “với năng lực công nghệ hiện tại, con số này là không khả thi”. Thêm vào đó, phần lớn các hệ thống DHKK hiện nay vẫn đang sử dụng chất làm lạnh R-410A. Với chỉ số  GWP lên tới 2000 (chỉ số làm nóng toàn cầu - global warming potential), rõ ràng DHKK không thân thiện môi trường. 

Công nghệ đột phá 

Chia sẻ tính khả thi của mục tiêu net-zero vào năm 2050, vị CEO cho biết cần giảm ít nhất 50% lượng phát thải carbon vào năm 2030. “Điều này đồng nghĩa với việc phải đạt được tất cả các sáng kiến và cải tiến cần thiết. Nếu không, mục tiêu này là bất khả thi”, ông Togawa khẳng định. 

Theo Chính phủ Nhật Bản, Daikin là một trong những nhà sản xuất công nghiệp lớn đã cam kết mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ. Quyết tâm hiện thực hóa cam kết này được thể hiện qua hàng tỷ USD đầu tư cho hoạt động nghiên cứu R&D. Các khoản chi mạnh tay này nhằm tìm kiếm giải pháp công nghệ đột phá, cải thiện hiệu quả các hệ thống máy DHKK của doanh nghiệp. 

Bên trong Trung tâm nghiên cứu công nghệ và sáng tạo Daikin. Ảnh: Daikin. 

Chia sẻ về các hướng đi này, ông Togawa nêu một ví dụ về tiềm năng của điện lạnh từ tính (magnetic refrigeration). Điện lạnh từ tính là công nghệ làm nóng/lạnh dựa trên nguyên tắc hoạt động hút/đẩy giữa các cực nam châm. Tuy nhiên, nó mới chỉ cho phép hoạt động ở quy mô nhỏ. 

Vị CEO cho biết “Lời giải sẽ nằm ở việc chúng ta có thể thực hiện nó ở quy mô lớn hơn, với chi phí thấp hơn hay không”. Hiện doanh nghiệp đang hợp tác với nhiều viện nghiên cứu và trường đại học để khám phá tiềm năng của vật liệu từ tính cho lời giải trung hòa carbon vào năm 2050. 

Những công nghệ liên quan khác được vị CEO đề cập tới là công nghệ biến tần (inverter), sưởi nhiệt (heat pump) và công nghệ làm lạnh có chỉ số GWP thấp (low-GWP). Ông Togawa khá lạc quan về tiềm năng của các công nghệ này. “Chúng ta hiện có nhiều công nghệ hơn chúng ta tưởng. Cần tập trung vào những công nghệ này”, ông Togawa cho biết. 

Vấn đề cần giải quyết, theo ông Togawa, là làm thế nào để sản xuất các thiết bị sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, với chi phí để mọi người có thể tiếp cận được. Chẳng hạn, vị CEO dẫn chứng, tại Nhật Bản người tiêu dùng chỉ dùng DHKK ứng dụng inverter. Nhưng chỉ 60% DHKK ở Trung Quốc có inverter. Con số này thậm chí còn thấp hơn ở Đông Nam Á và châu Phi. “Lý do là vì chi phí DHKK inverter cao hơn so với điều hòa không có inverter. Do đó, cần tập trung vào việc giảm chi phí điều hòa hiệu quả năng lượng.”, ông Togawa khẳng định. 

Dẫn chứng về công nghệ sưởi, vị CEO chia sẻ hiện đa số thiết bị sưởi vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu hoặc ga. Ngay tại thị trường châu Âu, nơi có những quy định chặt chẽ về thiết bị thân thiện môi trường, thì thiết bị sưởi nhiệt chỉ chiếm hơn 10%. 

“Nếu công nghệ thân thiện môi trường có thể phổ biến 100% thì tác động sẽ rất lớn”, ông Togawa khẳng định. Theo đại diện nhà sản xuất DHKK lớn nhất toàn cầu, sưởi nhiệt sẽ là công nghệ khác biệt mới trong các sản phẩm của hãng sau inverter. 

Về cải tiến môi chất lạnh, doanh nghiệp hiện đang thúc đẩy các dòng máy sử dụng môi chất R-31. Được biết, loại chất này có trị số GWP khoảng 700, chỉ bằng ⅓ so với trị số GWP của loại môi chất lạnh phổ biến nhất hiện là R-410A. Nếu được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu, ông Togawa tin tưởng công nghệ làm lạnh sử dụng môi chất thân thiện môi trường sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu trung hòa carbon. 

Ngoài các yếu tố công nghệ, các giải pháp khác được nhắc tới là thu hồi, tái sử dụng và loại bỏ đúng cách. “Các yếu tố này cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề”, ông Togawa cho biết. 

Công nghệ lạnh từ tính: thay vì nén chất làm lạnh, công nghệ lạnh từ tính thay đổi nhiệt độ bằng cách để vật liệu từ tính (magnetic materials) đi qua từ trường. Công nghệ làm lạnh này giúp loại bỏ nhu cầu về các chất làm lạnh gây hại cho tầng ozon. Tuy nhiên công nghệ này chưa được thương mại hóa do khả năng công nghệ chưa hoạt động động được tại các không gian lớn, và chi phí còn cao. 

Hải Yến (Theo Bloomberg)