Hà Nội đầu tư xử lý rác thải để phát điện
Thứ năm, 21/07/2022 - 16:19
Việc chú trọng đầu tư xây dựng nhà máy điện rác không những giúp Hà nội xử lý được lượng rác thải khổng lồ, mà còn tạo ra nguyên liệu để sản xuất điện năng, góp phần bổ sung nguồn điện cho quốc gia.
Tận dụng tiềm năng rác thải
Nhiều năm trở lại đây, biến rác thải thành điện năng không còn xa lạ gì với các quốc gia trên thế giới. Đã có không ít quốc gia công nhận năng lượng từ chất thải và coi chất thải là tài nguyên, là nguồn năng lượng thay thế. Thậm chí, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Nhật Bản còn coi xử lý chất thải là một ngành công nghiệp phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận.
Tận dụng nguồn rác thải để phát điện là xu hướng tất yếu (Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng đánh giá đây là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong việc phục hồi năng lượng từ chất thải. Trung bình mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt (CTR) phát sinh của cả nước hiện khoảng 76.000 tấn/ngày (khoảng 28 triệu tấn/năm), đây là một con số tiềm năng để phục hồi năng lượng.Chính vì thế, nhiều tỉnh thành phố lớn đã khởi động dự án điện rác. Trong đó, riêng tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện rác để xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố Hà Nội hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày, đồng thời bổ sung nguồn điện, góp phần giảm tải cho ngành điện Việt Nam.
Những nhà máy điện rác tại Hà Nội
Nhà máy điện rác (waste-to-energy) đầu tiên của Hà Nội là Nhà máy Sóc Sơn, được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ cuối năm 2017, được khởi công tháng 8 năm 2019, trên diện tích 17,51 ha trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn với tổng vốn đầu tư là 7.000 tỷ VND. Với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô/ngày (tương đương 5.500 tấn rác ướt).
Nhà máy điện rác Sóc Sơn với công suất điện 75MW làm việc theo công nghệ ghi di động kiểu waterleau của Bỉ, được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai thế giới sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến của Trung Quốc (đốt 5.600 tấn rác khô mỗi ngày và công suất điện là 165 MW). Khi hoạt động chính thức, nhà máy dự kiến sẽ tiếp nhận 450 đến 500 xe rác mỗi ngày.
Sơ đồ hoạt động của nhà máy điện rác (Ảnh: nangluongvietnam.vn)
Nhà máy thiết kế 16 cửa đổ rác, mỗi cửa phù hợp với từng loại xe đổ rác của Việt Nam. Cần cẩu siêu trọng được lắp đặt trên cao, di chuyển bằng thanh ray, với cánh tay kéo dài để đảo trộn và gắp rác từ bể chứa vào lò đốt. Bể chứa rác của nhà máy có thể cùng lúc chứa hàng ngàn tấn rác hoàn toàn khép kín, rác vào đây được ủ trong 10 ngày rồi đưa vào lò đốt. Tại đây có lắp đặt quạt thông gió công suất lớn, hoạt động một chiếu để mùi không rò rỉ ra ngoài gây ô nhiễm.
Rác được đốt trong lò đốt sẽ sinh ra nhiệt đưa đến tua bin, máy phát để tạo ra điện và tro xỉ đáy lò được tận dụng làm vật liệu xây dựng. Nhà máy được thiết kế 5 lò đốt và 3 tổ máy phát với tổng công suất điện là 75 MW, trong đó điện tự dùng của nhà máy chiếm 15 - 20%, còn lại sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẵn sàng cho việc tiếp nhận rác và biến rác thành điện năng (Ảnh: nangluongsachvietnam.vn)
Theo kế hoạch, ngày 15/7 nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ chính thức vận hành và sau đó, điện sản sinh từ quá trình đốt rác sẽ hòa lưới điện. Dự kiến khoảng 20 MW điện sinh ra từ quá trình đốt rác sẽ phục vụ hoạt động của nhà máy và khoảng 50 MW sẽ hòa vào lưới điện quốc gia. Việc vận hành nhà máy chia làm 3 giai đoạn với tổng số 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện. Giai đoạn 1 sẽ có 1 lò đốt và 1 tổ máy vận hành, khoảng 1.000 tấn rác tươi sẽ được nhà máy tiếp nhận mỗi ngày. Giai đoạn 2 gồm 2 lò đốt và giai đoạn 3 gồm 2 lò đốt nữa sẽ vận hành trong năm 2022. Tổng công suất của nhà máy sẽ xử lý được 5.000 tấn rác/ngày; giải quyết được từ 60 - 70% lượng rác của TP Hà Nội hiện nay.
Nhà máy điện rác thứ 2 tại Hà Nội là nhà máy Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được khởi công ngày 30/3/2022, với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Nhà máy được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, công suất tiêu thụ rác 1.500 - 2.000 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 37 MW và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng.
Nhà máy điện rác Seraphin do Tập đoàn Amaccao đầu tư, sử dụng công nghệ Châu Âu để đốt rác, tận thu nhiệt phát điện với chỉ tiêu khí thải, khói thải sau đốt đạt tiêu chuẩn EU 2010/75/EC, nghĩa là như khí trời tự nhiên; không thải nước, không phát tán bụi, tiếng ồn, mùi... ra môi trường bên ngoài.
Các tiêu chí về khí thải, nước thải, mùi, tiếng ồn... sẽ được gửi trực tuyến tới Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội. Tại cổng nhà máy cũng đặt bảng điện tử hiển thị các thông số để chính quyền và nhân dân địa phương cùng giám sát.
Hai nhà máy điện rác Sóc Sơn và Xuân Sơn sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố Hà Nội hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày, đồng thời góp phần bổ sung nguồn điện cho quốc gia.
Tố Quyên