Tập đoàn hoá chất Đức Giang tiết kiệm 20% điện năng nhờ áp dụng chương trình điều chỉnh phụ tải
Thứ ba, 02/08/2022 - 13:39
Nhờ áp dụng đồng bộ những giải pháp tiết kiệm điện, trong đó có hoạt động tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải, hằng năm Tập đoàn hoá chất Đức Giang tiết kiệm được 20% sản lượng điện dùng trong doanh nghiệp.
Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang (DGC) đã nỗ lực vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hóa chất công nghiệp. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển lớn mạnh về quy mô cũng là mức tiêu hao năng lượng không hề nhỏ.
Nhận thức rõ điều đó, DGC luôn chú trọng đến những giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành.
Trụ sở chính Công ty Cổ phần Tập đoàn hoá chất Đức Giang (Ảnh: Bnews)
Tại Hội nghị gặp gỡ khách hàng năm 2022 được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức hồi tháng 4/2022, ông Lưu Bách Đạt, Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn hoá chất Đức Giang cho biết, là một doanh nghiệp lớn nên DGC luôn chú trọng đến nhiệm vụ tiết kiệm năng lượng, đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu giúp doanh nghiệp phát triển và tạo ra kinh tế lớn mạnh.
Theo ông Đạt, để thực hiện tốt nhiệm vụ tiết kiệm điện năng, DGC luôn chú trọng đầu tư, thay mới các trang thiết bị điện, ưu tiên sử dụng các thiết bị giúp tiết kiệm điện năng, cũng như liên tục cải tiến và áp dụng các chương trình tiết kiệm điện năng tại các nhà máy thuộc Tổng công ty.
Đồng thời, doanh nghiệp luôn chủ động phối hợp cùng các doanh nghiệp bạn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ trong việc sử dụng tiết kiệm điện. Qua đó, các đơn vị đã cùng nhau thảo luận, đưa ra những giải pháp để sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.
Ngoài ra, một trong những biện pháp nổi bật được doanh nghiệp quan tâm chú trọng chính là việc tích cực tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải của EVNNPC. Với những nỗ lực giảm tải giờ cao điểm, thậm chí có thời điểm doanh nghiệp đã giảm tới 80% công suất làm việc, đã giúp tiết giảm đáng kể chi phí năng lượng cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về kinh nghiệm điều chỉnh phụ tải, ông Đạt nhấn mạnh: “Doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải không nên đột ngột giảm tải sẽ gây hư hỏng thiết bị. Theo đó, cần thông báo trước cho đơn vị quản lý điện lực, sau đó dừng lần lượt từng hệ thống điện tại doanh nghiệp. Khi khởi động lại cũng nên làm tuần tự với từng nhà máy, không nên đóng điện đồng thời.
Mặt khác, nên phối hợp điều chỉnh phụ tải cùng các doanh nghiệp bên cạnh hoặc trong cùng khu công nghiệp/ cụm công nghiệp, để tránh gây ra các sự chênh áp lớn trong quá trình vào tải và ra tải, gây nguy hại cho hệ thống lưới điện cũng như hệ thống trang thiết bị của nhà máy. Mọi sự phối hợp đều cần có sự chuẩn bị của các bên và cần báo trước”.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao (như than, khí, dầu …) thì việc sử dụng điện tiết kiệm lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều đó sẽ giảm bớt áp lực cho hệ thống lưới điện, đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện cho chính khách hàng.
Chương trình điều chỉnh phụ tải điện là một trong những nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện, góp phần bảo đảm cân bằng cung cầu điện, tối ưu hóa hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, giá trị dịch vụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; góp phần giảm tác hại môi trường; bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển bền vững. Chương trình góp phần giảm hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng/miền hoặc tại các khu vực lưới điện bị quá tải cục bộ. Đối với ngành Điện, chương trình giảm chi phí quản lý điều hành, chi phí phục vụ, nâng cao hiệu suất và tính linh hoạt trong vận hành; giảm nhu cầu về vốn đầu tư; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. |
Minh Khuê