Bộ Công Thương đề xuất 8 nội dung hợp tác năng lượng với Nhật Bản
Thứ ba, 07/03/2023 - 15:24
Định hướng phát triển ngành năng lượng và Chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam mang tới cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng Nhật Bản.
Nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao
Chia sẻ tại Hội thảo kinh tế cấp cao nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày 7/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, chuyển dịch năng lượng một cách bền vững cho Việt Nam là định hướng xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An (Ảnh: Báo Đầu tư)
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và phân công các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực.
Bộ Công Thương cũng đang rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch năng lượng quốc gia) và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8).
Theo ông An, 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió với hơn 16,5 GW công suất điện mặt trời được kết nối vào lưới điện quốc gia (24,3% công suất lắp đặt, 44% công suất tiêu thụ tối đa năm 2020), gần 4 GW điện gió trên bờ và gần bờ đã vào vận hành. Nếu tính cả 20,6 GW thuỷ điện, công suất lắp đặt nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay chiếm đến 54,2% công suất lắp đặt toàn quốc.
Được đánh giá là một trong 10 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng đang hướng tới xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nội địa nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để vừa tận dụng tài nguyên về năng lượng tái tạo vừa giảm giá thành sản xuất điện.
Thứ trưởng cho biết, các mục tiêu cao nhất của quá trình chuyển dịch năng lượng mà Việt Nam đang hướng tới bao gồm: (i) Đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia, nền kinh tế và người dân; (ii) Đảm bảo sự tiếp cận năng lượng và tiếp cận điện năng của người dân với chi phí hợp lý; (iii) Đảm bảo các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và các cam kết của Việt Nam với quốc tế; (iv) Phát triển năng lực công nghiệp nội địa để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường bên cạnh tăng cường hợp tác quốc tế.
“Mục tiêu đã rõ, nhưng chúng tôi hiểu rằng phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định nguồn điện năng với giá thành hợp lý luôn là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam”, ông An nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam hàng năm đều ở mức 2 con số, thường từ 1,5-1,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong đó giai đoạn 2000-2010 là 13%, 2011-2019 là 10,5% (trừ 2020 tăng trưởng thấp do đại dịch Covid-19).
Các tính toán của Bộ Công Thương cho thấy nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới.
8 nội dung hợp tác tiềm năng với Nhật Bản về năng lượng
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, định hướng phát triển ngành năng lượng và Chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong những năm sắp tới mang tới cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp của Nhật Bản.
Nhật Bản là quốc gia có tiềm lực mạnh về khoa học - công nghệ và công nghệ năng lượng, có ngành cơ khí chế tạo phát triển Việt Nam là quốc gia có nhu cầu điện, nhu cầu năng lượng tăng nhanh và đang có kế hoạch chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ. Thực tế, Nhật Bản đã giúp đỡ Việt Nam một cách có hiệu quả trong phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng từ nhiều năm nay.
Trong thời gian tới, một số lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam và Nhật Bản thể xem xét trao đổi, tìm cơ hội hợp tác bao gồm:
(i) Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối, sản xuất và ứng dụng các nguồn năng lượng mới như hydro, amoniac, v.v...);
(ii) Chuyển đổi nhiên liệu, xử lý môi trường cho các nhà máy nhiệt điện và tua bin khi đang vận hành;
(iii) Khai thác tiềm năng thủy điện cỡ vừa và nhỏ gắn với bảo vệ môi trường, mở rộng các dự án thủy điện hiện có, xây dựng các nhà máy thủy điện tích năng;
(iv) Triển khai các dự án nhiệt điện chạy khí và LNG;
(v) Các giải pháp nâng cao hiệu suất, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng;
(vi) Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ năng lượng mới, lưu trữ năng lượng, lưu trữ carbon…;
(vii) Phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện hiện có, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh (Smart Grid);
(viii) Hiện đại hóa hệ thống quản lý, điều độ hệ thống điện, nâng cao năng lực xây dựng thể chế và quản lý năng lượng trong nền kinh tế.
“Chúng tôi tin rằng, giai đoạn sắp tới, trong quá trình chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, tiềm năng hợp tác về năng lượng của hai bên sẽ có rất nhiều không gian để phát triển”, ông An khẳng định.
Nguồn: Báo Đầu tư