[In trang]
Khởi động Dự án "Công trình Hiệu quả Năng lượng 2023"
Thứ sáu, 17/03/2023 - 08:47
Đại diện ban tổ chức Dự án Công trình hiệu quả Năng lượng 2023 đã tiến hành tổ chức buổi lễ Khởi động dự án và điều hành phiên thảo luận về các nội dung cụ thể dành cho các kỹ sư trưởng, giám đốc kỹ thuật và nhà tư vấn năng lượng.
Vừa qua, lễ Khởi động giới thiệu Dự án Công trình Hiệu quả Năng lượng 2023 và Thảo luận về thách thức trong vận hành công trình để đảm bảo hiệu quả năng lượng đã diễn ra tại Hà Nội. 
Chương trình có sự góp mặt của các đại diện đến từ Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam, Hội kỹ sư trưởng Hà Nội CEA, Công ty TNHH CBRE Việt Nam, và hơn 30 kỹ sư trưởng, giám đốc kỹ thuật, nhà tư vấn năng lượng hiện đang làm việc tại các tòa nhà thương mại, văn phòng, khách sạn, trường học và bệnh viện khu vực Hà Nội. 
Tại buồi lễ các đơn vị chia sẻ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý năng lượng của từng tòa nhà.
Mở đầu chương trình, Bà Trần Thị Thu Phương nhấn mạnh: “Trước bối cảnh giá năng lượng leo thang như hiện nay, hiệu quả năng lượng được coi là ưu tiên hàng đầu để giúp các nhà đầu tư tối ưu chi tiêu, tăng cường chất lượng tiện nghi và giảm thiểu tác động đến môi trường. Trong đó, cán bộ quản lý kỹ thuật đóng vai trò “thực thi” và cần tăng cường năng lực chuyên môn liên tục.”
Ông Nguyễn Thành Trung, Quản lý Kỹ thuật Cấp cao, CBRE Việt Nam chia sẻ: “Một thách thức đáng kể nằm ở tư duy của người vận hành. Hiện nay, công nghệ giúp việc vận hành có thể điều khiển tự động hóa, song lại đòi hỏi “kỳ công” của người kỹ sư. Nếu người vận hành sẵn sàng học hỏi, không ngừng tìm hiểu kỹ các đặc thù và cơ hội vận hành tối ưu, thì họ hoàn toàn có thể làm chủ quá trình điều khiển đó một cách tốt nhất. Không chỉ người quản lý mà toàn bộ đội ngũ kỹ thuật cũng hiểu rằng đây chính là thách thức cơ bản ở rất nhiều công trình hiện nay.” 
Đại diện Hội kỹ sư trưởng, Ông Phạm Huy Tuấn bày tỏ: “Thách thức lớn nhất hiện nay là Năng lực người vận hành kỹ thuật. Thực tế tại Việt Nam chưa có đào tạo chính quy về Kỹ sư trưởng. Bên cạnh đó, chất lượng các chương trình đào tạo ngắn hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu công việc đặc thù kỹ thuật mà mới chỉ dành ở mức “khái niệm”.​
Trong khuôn khổ buổi lễ, đại diện các đơn vị đã có những chia sẻ về những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý năng lượng của từng tòa nhà. Các cá nhân tham dự đã có phần thảo luận rất chi tiết nhằm tìm ra giải pháp và lối đi mới cho các vấn đề còn tồn đọng hiện có trong công tác sử dụng năng lượng trong các tòa nhà. Đây cũng là cơ hội để đại diện ban dự án có thêm nhiều góc nhìn mới, giúp nâng cao chất lượng dự án và thúc đẩy công trình hiệu năng cao và có chi phí vận hành thấp tại Việt Nam.
Tại phần công bố nội dung Dự án Công trình Hiệu quả Năng lượng 2023, Đại diện Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam EEN-Vietnam, Bà Nguyễn Phương Thảo đã chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu và các hoạt động chi tiết của dự án. Cụ thể, dự án Công trình Hiệu quả Năng lượng 2023 là chương trình đào tạo cấp chứng nhận và hỗ trợ tư vấn hiệu quả năng lượng cho các công trình phi nhà ở. Dự án kì vọng sẽ giúp nâng cao vị thế kỹ sư trưởng và người quản lý trong việc giải đáp bài toán năng lượng, cũng như đem lại lợi ích kinh tế & môi trường cho khách hàng cùng chủ doanh nghiệp.
Dự án Công trình hiệu quả Năng lượng 2023 bao gồm 2 hoạt động chính: 
1) Hoạt động đào tạo trực tuyến có cấp chứng nhận về Nâng cao HQNL cho công trình phi dân cư được giảng dạy trực tiếp bởi chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm đến từ CHLB Đức và Việt Nam 
2) Hỗ trợ tư vấn hiệu quả năng lượng cho ít nhất 4 công trình tiêu biểu tại Việt Nam
Mai Anh