Tiết kiệm điện: Kinh nghiệm hay từ thế giới
Thứ sáu, 05/05/2023 - 08:24
Để nâng cao nhận thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện nhiều giải pháp và chính sách để thúc đẩy tiết kiệm điện.
Bỉ: Luật hóa tiết kiệm điện
Tại Bỉ, một loạt các biện pháp bao gồm các chiến dịch truyền thông, đào tạo quy mô lớn đã được áp dụng để nâng cao năng lực sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, quốc gia này đã xây dựng trang web năng lượng là Guzzler (www.energivores.be). Trang web được cài ứng dụng tính toán lượng CO2 nhằm đánh giá hiệu suất năng lượng của các thiết bị/sản phẩm hiện có trong một ngôi nhà, văn phòng hoặc doanh nghiệp. Sau khi đánh giá, website sẽ đưa ra lời khuyên về việc sử dụng hoặc thay thế thiết bị tiết kiệm điện. Trang web cũng gợi ý giúp người dùng lựa chọn những thiết bị/sản phẩm phù hợp trong không gian sống; tính toán khoản tiết kiệm hàng năm và thời gian hoàn vốn khi sử dụng.
Trang web năng lượng là Guzzler (Ảnh chụp màn hình)
Bên cạnh đó, cơ quan Công cộng Liên bang về Y tế, An toàn chuỗi thực phẩm và Môi trường của Bỉ còn đưa ra các biện pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng như: chuyển đổi các công nghệ mới về tiết kiệm điện; chuyển đổi hình thức di chuyển, đi lại của công dân và khuyến khích sử dụng những phương tiện công cộng. Cơ quan này cũng thể chế và luật hoá về việc sử dụng các biện pháp tiết kiệm điện như: bắt buộc học các biện pháp thực hành tiết kiệm điện khi sử dụng phương tiện đối với người tham gia giao thông; lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng khi xây dựng và vận hành toà nhà…
"Kế hoạch An toàn năng lượng" ở Pháp
Tại Pháp, các hình thức truyền thông tiết kiệm điện được đẩy mạnh trong tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Đối với lĩnh vực xây dựng, quốc gia này đã đề ra kế hoạch hướng dẫn, xây dựng lộ trình tiết kiệm điện và yêu cầu các nhà thầu cam kết tuân thủ; các cơ quan chức năng cũng sẽ theo dõi quá trình thực hiện một cách nghiêm ngặt.
Chính phủ Pháp cũng triển khai "Kế hoạch An toàn năng lượng" nhằm cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng trong hai năm tới. Nội dung đáng chú ý là quy định nhiệt độ hệ thống sưởi và điều hòa ở mức tương ứng là 19 độ và 26 độ, dự kiến kế hoạch này sẽ giúp giảm khoảng 7% năng lượng tiêu thụ. Riêng tại Paris, thành phố này cũng đưa ra mức phạt 150 euro đối với các doanh nghiệp để mở cửa sổ và cửa ra vào khi đang bật điều hòa.
Các chiến dịch truyền thông tiết kiệm điện tại Pháp được đẩy mạnh trên truyền hình, đài phát thanh, internet và đã tiếp cận gần 50% công chúng Pháp. Đặc biệt, 4 trong số 10 người Pháp cho biết, họ biết và nhớ đến các phương pháp tiết kiệm điện thông qua các chương trình quảng cáo.
Một trong số các biện pháp thực hành tiết kiệm điện nổi bật của Pháp là “Câu lạc bộ cải thiện nhà ở”. Đây là nền tảng học nghề trực tuyến dành cho các chuyên gia xây dựng. Thông qua câu lạc bộ này, các đối tượng tham gia sẽ được đào tạo về các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả, bao gồm các giải pháp thay thế, cải tạo và đầu tư mới.
Chiến dịch tiết kiệm điện Cool Biz - Warm Biz tại Nhật Bản
Để giải quyết vấn đề năng lượng trong bối cảnh tự chủ năng lượng thấp, nhiều thế hệ Chính phủ ở Nhật Bản đã nỗ lực thực hiện các giải pháp khuyến khích tiết kiệm điện. Một trong những giải pháp đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả cao nhất chính là chiến dịch tiết kiệm năng lượng mùa hè có tên là Cool Biz, do Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE) phát động vào năm 2005. Đến nay, Cool Biz đã trở thành chiến dịch thường niên của quốc gia này.
Các nhân viên công sở được khuyến khích mặc các trang phục thoải mái như áo ngắn tay để duy trì nhiệt độ điều hòa ở mức 28oC tại chỗ làm. (Ảnh: The Japan Times)
Cool Biz kêu gọi các bộ, ngành trực thuộc Chính phủ phải duy trì nhiệt độ điều hòa nơi công sở ở mức 28 độ C. Các nhân viên công sở được khuyến khích mặc các trang phục thoải mái như áo phông ngắn tay và đi giày thể thao đế mềm thay vì áo vest. Ngoài ra, chiến dịch Cool Biz cũng kêu gọi các công sở đẩy khung giờ làm việc lên sớm hơn và tắt máy tính khi không sử dụng.
Bên cạnh đó, vào mùa đông hàng năm, Chính phủ Nhật Bản cũng triển khai thêm chiến dịch Warm Biz trên toàn quốc từ tháng 11 đến tháng ba năm sau. Warm Biz kêu gọi người dân đặt nhiệt độ điều hòa ở mức 20 độ C; đồng thời khuyến khích công chức, viên chức mặc áo ấm đến công sở để giảm bớt điện năng sử dụng cho điều hòa; chia sẻ không gian ấm áp thay vì việc sử dụng riêng điều hòa; ăn các thực phẩm có chức năng làm ấm cơ thể…
Theo: Tạp chí Điện lực