Hà Nội tiết kiệm năng lượng 1,6-1,8% so với mức dự báo nhu cầu
Thứ ba, 19/12/2023 - 10:08
Bảo đảm ổn định cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô… là tinh thần nêu trong Kế hoạch số 299/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Theo đó, để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thành phố sẽ giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện thành phố khoảng 100MW (không phải tiết giảm điện do thiếu nguồn) thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện và vận hành ổn định các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, các hệ thống tích hợp lưu trữ năng lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn tân tiến, hiện đại với sự cam kết và hợp tác tự nguyện của các khách hàng sử dụng điện.
Hệ thống điện của EVNHANOI ngày càng được đầu tư hiện đại. Ảnh: Thanh Hải
Song song đó, thành phố sẽ phấn đấu đạt 100% khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, khách hàng sử dụng điện lớn trên địa bàn thành phố được vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích và sự cần thiết phải quản lý nhu cầu điện, đăng ký tự nguyện tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện; lắp đặt, thay thế công tơ điện tử đo xa cho 100% khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố để từng bước chuyển sang khách hàng sử dụng điện thông minh…
Ngoài ra, thành phố còn thực hiện lồng ghép với các chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kế hoạch tiết kiệm điện nhằm đạt mức tiết kiệm năng lượng 1,6-1,8% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu, trong đó đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho từng khu vực tiêu dùng, sử dụng điện trên địa bàn trong các lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại và dịch vụ; xây dựng; quản lý và tiêu dùng; nông - lâm - ngư - nghiệp...
Để thực hiện được các chỉ tiêu này, UBND thành phố triển khai 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương về cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn thành phố, nhất là xem xét mở rộng đối tượng áp dụng chính sách về lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và cơ chế giá mua bán điện mặt trời cho phần công suất dư thừa phát lên lưới nhằm tạo động lực, lợi ích thiết thực thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực tham gia.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế tài chính theo quy định nhằm khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại, hiệu quả phù hợp với định hướng của Nhà nước. Nghiên cứu, đề xuất Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng các cơ chế hỗ trợ thực chất cho khách hàng khi tham gia Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện (về dự phòng nguồn cấp, hỗ trợ dịch vụ quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng, đào tạo nhân lực...).
Theo: Hà Nội mới