Bộ Công Thương nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp
Thứ sáu, 12/04/2024 - 15:03
Ngày 12/4/2024, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức “Hội thảo nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống”.
Hội thảo là hoạt động thuộc Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (gọi tắt là dự án IEEP). Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống cho các doanh nghiệp công nghiệp và giới thiệu chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật của dự án IEEP.
Hội thảo quy tụ 80 đại biểu gồm: Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, Văn phòng dự án IEEP, Sở Công Thương, Sở Khoa học & Công nghệ, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng các tỉnh Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, các cán bộ, chuyên gia đến từ các trường đại học, Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp và các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: thép, dệt may, cao su, xi măng, chế biến thực phẩm, đồ uống, thủy sản, giấy và nhựa.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng, theo dự báo trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) là giải pháp quan trọng góp phần giảm áp lực về nhu cầu năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động SDNL TK&HQ một cách rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực thi một loạt các chính sách và chương trình, hành động quan trọng. Theo các quy định của Luật SDNL TK&HQ có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải có các trách nhiệm như: Chỉ định người quản lý năng lượng; Thực hiện kiểm toán năng lượng; Áp dụng mô hình quản lý năng lượng, Xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm và 05 năm về SDNL TK&HQ.
Hội thảo là cơ hội để các đơn vị tư vấn/doanh nghiệp công nghiệp nâng cao hiểu biết về SDNL TK&HQ, về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa hệ thống.
Trên thế giới, tiêu chuẩn quản lý năng lượng đã được ban hành và sử dụng tại nhiều nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... từ năm 2000 và đã mang lại kết quả tiết kiệm năng lượng đáng kể cho các doanh nghiệp, tổ chức áp dụng. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 - Hệ thống quản lý năng lượng vào năm 2011 và Phiên bản sửa đổi ISO 50001:2018 vào năm 2018. Sau đó, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 50001:2019: Hệ thống quản lý năng lượng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố năm 2019 hoàn toàn tương thích với ISO 50001:2018. Hiện nay, hệ thống quản lý năng lượng này đã được nhìn nhận như là một công cụ quản lý năng lượng hữu hiệu trong rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới.
Việc áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 kết hợp với các giải pháp tối ưu hóa hệ thống sẽ giúp các doanh nghiệp công nghiệp tuân thủ các qui định của Luật SDNL TK&HQ, tiết kiệm được chi phí năng lượng, giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường.
"Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội để các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp công nghiệp nâng cao hiểu biết về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa hệ thống và cũng là cơ hội để nắm bắt các thông tin cụ thể về các hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 nói chung và của Dự án IEEP nói riêng.” - bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Tại hội thảo các đại biểu đã được cung cấp các thông tin quan trọng và hữu ích liên quan đến các quy định về tiết kiệm năng lượng và quản lý năng lượng trong doanh nghiệp công nghiệp; Các hoạt động của dự án IEEP hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; Các vấn đề và các cơ hội của Hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001; Tối ưu hóa hệ thống - Tối đa hóa năng lượng tiết kiệm; Quỹ chia sẻ rủi ro cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng cũng như chia sẻ kinh nghiệm áp dụng thành công hệ thống quản lý năng lượng mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng của của Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu.
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận về những khó khăn, thách thức cũng như đưa ra những khuyến nghị trong việc triển khai thực hiện hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Thông tin về dự án IEEP Mục tiêu tổng thể của Dự án: Thúc đẩy, kích thích nhu cầu thị trường và ứng dụng giải pháp TKNL trong doanh nghiệp công nghiệp để đạt được kết quả sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam. Thời gian thực hiện: Dự kiến Dự án được thực hiện trong thời gian 05 năm từ 2023 đến 2027 Tổng kinh phí: 6.5 triệu Euro Dự án gồm 3 hợp phần chính: - Hợp phần 1: Tăng cường khung thể chế và chính sách. - Hợp phần 2: Thực hiện các chương trình xây dựng và nâng cao năng lực. - Hợp phần 3: Thực hiện các dự án về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống Phạm vi dự án: Tập trung vào 10 ngành mục tiêu gồm: giấy và bột giấy, chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, dệt may, sản xuất hóa chất và phân bón, chế biến cao su, luyện kim và thép, xi măng, nhựa và đồ uống. |
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững