Công trình xanh và mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Thứ bảy, 28/09/2024 - 16:21
Các công trình xây dựng chiếm tỷ lệ khoảng 35-40% tổng năng lượng tiêu dùng cả nước. Tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, công trình sẽ giúp giảm chi phí vận hành và lượng phát thải CO2 ra môi trường.
Tiềm năng phát triển Công trình xanh
Tại Việt Nam, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của dự án đầu tư xây dựng định nghĩa Công trình xanh (CTX) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Phát triển CTX cũng là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/03/2019. Theo đó, đến năm 2025, cả nước đặt mục tiêu có 80 công trình xây dựng được chứng nhận CTX, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đến năm 2030, mục tiêu được tăng lên 150 CTX.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2023, cả nước đã có hơn 300 CTX được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn gồm LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam; LEED của Hội đồng CTX Mỹ; EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên của Ngân hàng Thế giới; GREEN MARK của Hội đồng CTX Singapore, với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận là hơn 7 triệu m2. Việt Nam đang xếp thứ 28 trên thế giới về số lượng CTX được chứng nhận theo tiêu chuẩn LEED.
Có thể thấy, nếu so với mục tiêu của VNEEP3 thì hiện nay, Việt Nam đã thực hiện đạt gấp đôi chỉ tiêu phát triển CTX đến năm 2030. Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển CTX ở nước ta rất lớn.
Những công trình tiên phong
Tòa nhà đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ CTX hạng Vàng của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (chứng chỉ LOTUS) là tòa nhà xanh Một Liên Hợp Quốc toạ lạc tại 304 Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) - trụ sở làm việc của 15 Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Toà nhà xanh Một Liên Hợp Quốc được xây dựng lại trên cơ sở sử dụng trên 90% kết cấu của Tòa nhà cũ và thảm thực vật để giảm phát thải ra môi trường. Ảnh: Phương Loan
Ông Lưu Minh Đức - Cán bộ Quản lý toà nhà cho biết: Trong mục tiêu phát triển bền vững, Liên Hợp Quốc đã không ngừng cải tiến tòa nhà của mình đảm bảo các yếu tố xanh được thể hiện nhiều nhất. Giải pháp xanh của Liên Hợp Quốc có hai yếu tố gồm yếu tố về kỹ thuật hạ tầng và yếu tố con người.
Theo đó, yếu tố kỹ thuật là các giải pháp, công nghệ tiến tiến được toà nhà áp dụng. Điển hình là hệ thống pin năng lượng mặt trời được nâng cấp lên 160 kW giúp cung cấp khoảng 20% tổng nhu cầu điện hàng năm của Tòa nhà. Hệ thống góp phần tạo cảnh quan, là kết cấu che nắng và hấp thụ bức xạ mặt trời một phần cho tòa nhà.
Đặc biệt, tòa nhà sử dụng hệ thống điều hòa Trung tâm Chiller và VRV với hệ số COP (Coefficient of Performance) đạt hiệu quả năng lượng cao, tích hợp vào hệ thống điều khiển BMS để tự động kiểm soát, điều khiển nhằm cung cấp nhiệt độ và thời gian phù hợp cho văn phòng làm việc cũng như các sự kiện tại Tòa nhà. Theo đánh giá của báo cáo kiểm toán năng lượng của năm 2021, hệ thống Chiller đạt 10,7% tiết kiệm năng lượng, và hệ thống VRV đạt 25,2% tiết kiệm năng lượng.
Toà nhà xanh Một Liên Hợp Quốc còn sử dụng hệ thống quản lý năng lượng thông minh BMS được kết nối với toàn bộ hệ thống năng lượng. Hệ thống BMS sẽ đánh giá khu vực nào trong tòa nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất để từ đó có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, khi cán bộ nhân viên kết thúc ngày làm việc và ra khỏi tòa nhà thì hệ thống sẽ tự động tắt chế độ ánh sáng, điều hòa.
“Chúng tôi thiết kế tòa nhà đảm bảo tất cả các khu vực làm việc đều được thông gió và có ánh sáng tự nhiên. Kết hợp với công nghệ sensors để cảm nhận ánh sáng tại chỗ làm việc, nếu ánh sáng đã đủ sensors sẽ giúp điều chỉnh ánh sáng của đèn thậm chí tắt đèn để không tốn năng lượng. Ngoài ra, vào các ngày cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ thì phần năng lượng mặt trời tạo ra sẽ đưa lên đưa lên điện lưới của thành phố Hà Nội góp phần giảm tải về nguồn cung điện cho Hà Nội”, ông Lưu Minh Đức chia sẻ.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời cung cấp khoảng 20% tổng nhu cầu điện hàng năm của Tòa nhà xanh Một Liên Hợp Quốc. Ảnh: Phương Loan
Trường Quốc tế Concordia (Hà Nội) cũng là điển hình theo chuẩn CTX. Tại đây, tòa nhà A là cơ sở giáo dục đầu tiên tại Việt Nam nhận được Chứng nhận LEED Bạc, trong khi tòa nhà B đã được Hội đồng CTX Việt Nam trao chứng nhận Bông sen vàng vì đã đưa các thông lệ bền vững vào thiết kế.
Với diện tích mặt sàn 8.090 m2, Trường Quốc tế Concordia đã áp dụng các phương pháp xanh hóa công trình như lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời, các khu vực có máy đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) nửa tiếng một lần và dịch vụ xử lý nước tại chỗ, được lọc hai lần và làm mát.
Toàn bộ tường, sàn của ngôi trường được sơn phủ bằng các chất có hàm lượng VOC thấp (hàm lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Tường sử dụng hệ thống cửa kính kết hợp với tường gạch xây CMU được ốp tấm nhựa hợp kim nhôm và tấm gỗ nhựa với 64,2% diện tích công trình được phủ ánh sáng ban ngày. Kết quả tích cực mà trường Quốc tế Concordia thu được là tiết kiệm 32,5% năng lượng và 52,6% lượng nước sử dụng.
Tường tại Trường Quốc tế Concordia được ốp tấm nhựa hợp kim nhôm và tấm gỗ nhựa. Ảnh: Phương Loan
Hay tòa nhà Capital Place là tòa văn phòng đạt nhiều giải thưởng về sáng tạo tiết kiệm năng lượng và cũng là dự án đầu tiên tại Hà Nội đạt chứng chỉ LEED GOLD. Ông Đặng Văn Thắng, Trưởng phòng Quản lý tài sản tòa nhà Capital Place cho biết, điểm xanh đầu tiên tại Capital Place là ánh sáng tự nhiên, không khí trong lành và khu vực cây xanh bao trùm đã góp phần cải thiện trải nghiệm làm việc, đưa đến chất lượng không gian xanh cho tòa nhà.
Việc đầu tư trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cũng được chủ đầu tư chú trọng. Hiện tại toà nhà đang sử dụng 03 loại chiller từ 350 ton-750 ton và được điều khiển bằng hệ thống BMS chuyên biệt. Được tối ưu hóa theo công nghệ mới nhất của Daikin. Với thiết kế đồng bộ như vậy hiệu suất lớn nhất của hệ thống chiller là từ 0,65Kw/ton-0,7Kw/ton. Giải pháp này ước tính tiết kiệm 1% chi phí năng lượng.
Bên cạnh đó, toà nhà trang bị và lắp đặt hệ thống PAU cấp khí tươi và làm lạnh có tính năng thu hồi nhiệt. Việc sử dụng PAU sẽ giúp xử lý độ ẩm trong không khí. Thiết bị sẽ đảm bảo độ ẩm không vượt quá mức 60%. Đồng thời, giúp kiểm soát tốt tình trạng nhiệt độ cũng như độ sạch của không khí trước khi được chuyển vào trong phòng sạch.
Capital Place đạt chứng nhận LEED GOLD. Ảnh: Capital Place
Đặc biệt, tòa nhà Capital Place lắp đặt hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu điện năng tự động GELEX, phục vụ công tác giám sát tiêu thụ điện của khách hàng và các thiết bị trong tòa nhà. Với hệ thống này ban quản lý toà nhà sẽ nắm bắt được công suất điện tiêu thụ thực tế của tòa nhà tại các khu vực giúp điều tiết vận hành thiết bị thực tế và có biện pháp kịp thời khi có sự biến động chỉ số tiêu thụ điện. Với giải pháp này trung bình hàng năm tiết kiệm được 5000-7000 kWh.
Năm 2023, tòa nhà đã triển khai lắp đặt hệ thống tăng cường khả năng xử lý nước cho tháp giải nhiệt. Hệ thống này đã giúp tiết kiệm năng lượng điện tiêu thụ và đảm bảo lượng nước được sử dụng cho tháp giải nhiệt được hiêu quả hơn. Giải pháp này ước tính tiết kiệm chi phí điện năng từ 200-300 triệu đồng/năm.
"Hiện, tòa nhà Capital Place đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn về chứng chỉ xanh để hướng tới mục tiêu đạt chứng chỉ LEED PLATINUM vào năm 2024. Thời gian tới, tòa nhà sẽ tăng cường lắp đặt hệ thống đo đếm để kiểm soát tình trạng sử dụng năng lượng của các hệ thống trong tòa nhà. Đồng thời, sẽ lắp đặt hệ thống xử lý sóng hài để giảm khả năng gây cháy, nổ và lãng phí điện năng. Dự kiến, sẽ đưa vào vận hành vào tháng 8/2024." - ông Đặng Văn Thắng thông tin.
Phòng kỹ thuật tại Capital Place kiểm soát và điều khiển bằng BMS. Ảnh: Phương Loan
Chia sẻ về sự hài lòng khi lựa chọn đặt văn phòng tại tòa nhà Capital Place, ông Phillip Wright - Giám đốc hoạt động của HSBC Việt Nam cho biết: Có chung mục tiêu về phát triển bền vững chính là yếu tố đã đưa HSBC Việt Nam đến với Capital Place. Ngay từ thời điểm tìm kiếm không gian văn phòng mới, HSBC đã để mắt đến Capital Place khi thấy những tính năng “xanh” được tích hợp trong tòa nhà cũng như cam kết giảm thiểu năng lượng tiêu thụ và lượng phát thải carbon. "Chứng chỉ LEED là minh chứng cho thấy Capital Place sử dụng nguồn năng lượng sạch, không lãng phí nước dùng, và có hệ thống quản lý rác thải hiện đại. Đây là những điều mà tất cả chi nhánh HSBC trên toàn thế giới đều đang triển khai thực hiện”, ông Philip chia sẻ thêm.
CTX là xu thế tất yếu hiện nay và trong tương lai trước sự gia tăng của biến đổi khí hậu. Các công trình trên cho thấy, việc phát triển CTX có nhiều lợi ích. Một trong những lợi ích thiết thực nhất chính là tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng và vận hành công trình. Việc giảm mức chi phí điện, nước, chính là tiết kiệm tiền cho người sử dụng.
Nhằm ghi nhận, tôn vinh giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, sáng tạo và tiêu biểu trong các công trình xây dựng, qua đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, định hướng tiêu dùng xanh và phát triển bền vững của đất nước, Bộ Công Thương phối hợp Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức "Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng". Qua 3 năm triển khai, Giải thưởng đã thu hút trên 100 công trình tham gia cùng gần 900 giải pháp tiết kiết kiệm năng lượng. 56 công trình thuộc hạng mục công trình xây dựng mới và công trình cải tạo đáp ứng các tiêu chí của giải thưởng đã được tôn vinh và trao chứng nhận bởi Bộ Công Thương. |
Anh Thư