Tiết kiệm năng lượng trong ngành chế biến thủy sản
Chủ nhật, 20/10/2024 - 11:00
Theo các chuyên gia, ước tính chi phí sử dụng năng lượng trong sản xuất chế biến thực phẩm và thủy sản chiếm khoảng 30% tổng giá thành sản phẩm.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được biết đến là doanh nghiệp số một Việt Nam về xuất khẩu thủy sản với hơn 99% là xuất khẩu. Có được kết quả này một phần là do Minh Phú đã tiết kiệm chi phí sử dụng điện, sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, Minh Phú mạnh đạn đầu tư sử dụng bóng đèn Led thay cho bóng đèn huỳnh quang trong chiếu sáng nhà xưởng chế biến, sử dụng thiết bị cấp đông siêu tốc tiết kiệm điện, sử dụng nhiên liệu sinh khối Biomass…
Lý giải cho quyết định thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng bóng đèn Led, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho biết: Chi phí đầu tư bóng đèn huỳnh quang với số lượng 2.500 bộ đèn chỉ tổn 1,2 tỷ đồng. Còn đầu tư 2.500 bóng đèn Led thì mất 2,8 tỷ đồng. Tuy chi phí cho đầu tư bóng đèn Led lớn hơn nhưng lợi ích tiết kiệm điện đem lại nhờ đèn Led lại hiệu quả hơn. Cụ thể, chi phí tiền điện phải trả khi dùng bóng đèn Led trong 1 năm chỉ là 847 triệu đồng. Trong khí đó, theo tính toán, chi phí tiền điện sử dụng đèn huỳnh quang trong 1 năm hoạt động sản xuất, kinh doanh của Minh Phú lại lên tới 2,3 tỷ đồng.
"Riêng việc sử dụng bóng đèn Led so với bóng đèn huỳnh quang trong 1 năm giúp chúng tôi tiết kiệm điện 1,458 tỷ đồng tiền điện. Có nghĩa là 1 tháng, Minh Phú chúng tôi tiết kiệm được 121 triệu đồng tiền điện", ông Quang cho hay.
Sử dụng đèn Led giúp tiết kiệm điện hiệu quả tại các nhà xưởng của Minh Phú.
Bên cạnh đó, hệ thống cấp đông vốn tốn nhiều năng lượng nhất cũng được Tập đoàn mạnh dạn đầu tư thay thế. Để tiết kiệm năng lượng, Tập đoàn Minh Phú đã thay thiết bị cấp đông IQF truyền thống với kích thước phòng cấp đông dài chiếm diện tích lớn, mất nhiều năng lượng bởi tổn thất ra môi trường xung quanh bằng thiết bị cấp đông IQF siêu tốc giúp giảm thời gian cấp đông. Cụ thể, nếu cùng loại sản phẩm (tôm PTO size 16/20 con) trước đây trung bình cấp đông mất 14 phút thì với thiết bị mới được rút ngắn còn lại 5 phút. Bên cạnh đó, IQF siêu tốc kết hợp với thiết bị phụ trợ LVS + hệ thống xả tuyết bằng khí nén, máy nén được thiết kế phù hợp và được lập trình nhằm phát huy hết khả năng thiết bị giảm thiểu tối đa công suất vò công.
"Lợi ích mà thiết bị cấp đông IQF siêu tốc và IQF siêu tốc có LVS + lập trình điều khiển phù hợp đem lại là thời gian cấp đông ngắn xuống còn 4,5 đến 5 phút; tỷ lệ hao hụt sản phẩm khi cấp đông dưới 1%; điện năng tiêu thụ thấp hơn khoảng 21 - 28%; sản phẩm cấp đông đạt chất lượng tốt hơn do thời gian cấp đông nhanh trong điều kiện ổn định", ông Quang hứng khởi cho biết.
Theo các chuyên gia, tong ngành chế biến thủy - hải sản, hệ thống lạnh cho sản xuất và tích trữ chiếm đến hơn 70% tổng năng lượng tiêu thụ. Trường hợp áp dụng tốt những giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản trong quá trình vận hành, doanh nghiệp có thể tiết kiệm từ 10 - 15% năng lượng tiêu thụ, mà không cần tốn chi phí đầu tư lớn. |
Một điển hình khác tiết kiệm năng lượng trong chế biến thủy sản là Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex).
Ông Huỳnh Việt Chương, Trưởng phòng Cơ điện Caseamex, cho biết: Việc tiết kiệm điện để tiết giảm chi phí sản xuất là vấn đề bức thiết đối với doanh nghiệp. Hiện Caseamex đã lắp đặt đèn Led thế hệ mới, phục vụ chiếu sáng tòa nhà văn phòng, nhà máy, nhà xưởng, khuôn viên, bãi đậu xe; đồng thời, chú ý lắp thêm các đồng hồ giám sát quản lý năng lượng tại các dây chuyền sản xuất; lắp đặt biến tần cho các thiết bị máy móc có công suất lớn.
Cùng với đó, Caseamex còn áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng; đầu tư các băng chuyền sản xuất hiện đại, vừa giúp gia tăng năng suất sản xuất, vừa giảm tiêu hao năng lượng; lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, có công suất lên đến 1MWp.
Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ đầu tư trang thiết bị hiện đại để gia tăng hiệu quả sử dụng điện tiết kiệm. (Ảnh: Báo Cần Thơ)
Song hành với các giải pháp kỹ thuật, Caseamex còn tăng cường khuyến khích, vận động cán bộ, người lao động và công nhân thực hiện tiết kiệm điện “mọi lúc, mọi nơi”, như chú ý tắt các thiết bị điện khi có nhu cầu sử dụng… Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, nên Caseamex đã tiết giảm được gần 30% chi phí tiền điện mỗi tháng, đáp ứng mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu.
Công ty TNHH công nghiệp thủy sản miền Nam cũng là doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích từ tiết kiệm năng lượng. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ quản lý đến kỹ thuật, nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Giám đốc Công ty ho biết: Bình quân Công ty sử dụng điện cho sản xuất rất lớn, với chi phí gần 2 tỉ đồng điện/tháng. Và để gia tăng hiệu quả sử dụng điện tiết kiệm, Công ty đã đầu tư nâng cấp, lắp đặt thêm thiết bị máy móc hiện đại, biến tần tại các dây chuyền sản xuất trong nhà máy chế biến thủy sản; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO; đồng thời, ứng dụng hệ thống giàn nước nóng năng lượng mặt trời, để có nước nóng phục vụ cho nhu cầu vệ sinh dụng cụ đựng sản phẩm... Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, nên bình quân Công ty tiết kiệm được 15% lượng điện tiêu thụ hàng tháng. Và điều quan trọng hơn là giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả sản xuất, đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường, nâng cao sức cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu trên thị trường.
Hoạt động chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam. (Ảnh: Báo Cần Thơ)
Trước áp lực cạnh tranh thị trường, việc tiết kiệm chi phí sản xuất, nhất là tiết kiệm năng lượng từ đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm là giải pháp giúp các doanh nghiệp ngành thủy sản nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh thị trường trong bối cảnh hội nhập.
Anh Thư