Kiểm toán năng lượng: Tầm quan trọng và lợi ích
Thứ hai, 28/04/2025 - 13:14
Kiểm toán năng lượng là một trong những nhiệm vụ đầu tiên để hoàn thành chương trình kiểm soát việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Kiểm toán năng lượng là gì?
Theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, khái niệm về kiểm toán năng lượng (KTNL) như sau: “KTNL là hoạt động đo lường, phân tích, tính toán, đánh giá để xác định mức tiêu thụ năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng và đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng”.
Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 50002:2015, KTNL là: “Phân tích một cách hệ thống sử dụng năng lượng và tiêu thụ năng lượng trong phạm vi KTNL xác định nhằm nhận biết, lượng hóa và báo cáo về các cơ hội cải tiến HQNL”.
Như vậy, KTNL là một hoạt động hướng tới việc xác định và thiết lập chương trình quản lý năng lượng hiệu quả toàn diện. KTNL dựa trên cơ sở đo lường và quan trắc thích hợp việc sử dụng năng lượng sẽ thiết lập cân bằng tổng năng lượng đầu vào với việc sử dụng năng lượng, đồng thời giúp xác định tất cả các dòng năng lượng trong một đơn vị, định lượng việc sử dụng năng lượng theo các hoạt động riêng biệt. Từ đó phân tích chi tiết hiệu quả năng lượng của đơn vị, thiết bị, hệ thống hoặc quá trình, nhận biết các cơ hội nhằm cải tiến hiệu quả năng lượng, giảm tổn hao năng lượng và thu được các lợi ích về môi trường liên quan. Kết quả của KTNL bao gồm các khuyến nghị, giải pháp cho việc cải tiến liên quan đến hiệu quả năng lượng, đồng thời các khuyến nghị, giải pháp này cần chỉ rõ các lợi ích về năng lượng, môi trường cũng như các chỉ tiêu về hiệu quả tài chính.

Doanh nghiệp thuộc nhóm sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện kiểm toán năng lượng.
Những doanh nghiệp nào cần thực hiện kiểm toán năng lượng?
Những đơn vị bắt buộc phải thực hiện kiểm toán năng lượng đều thuộc nhóm sử dụng năng lượng trọng điểm theo Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm:
Cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên.
Các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV (dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5/2025).
Dự kiến, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (khai mạc tháng 5/2025), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Theo Dự thảo dự án Luật và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các cơ sở có mức tiêu thụ năng lượng được điều chỉnh như sau: - Cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (800 TOE) trở lên. - Các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (300 TOE) trở lên. |
Lợi ích của kiểm toán năng lượng
Giảm chi phí năng lượng: Đối với một cơ sở, đặc biệt là cơ sở sản xuất, chi phí cho năng lượng là thường xuyên và không nhỏ. Chi phí này ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, lợi nhuận của doanh nghiệp. KTNL giúp cắt giảm những phần năng lượng tổn thất, từ đó giảm chi phí năng lượng, giảm sự tác động của việc tăng giá năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị;
Giảm phát thải: Đốt cháy than, khí thiên nhiên, dầu thô… dẫn đến ô nhiễm và làm tăng hàm lượng của khí nhà kính trong không khí. Các chất thải khác của quá trình đốt cháy, như tro là nguyên nhân gây ô nhiễm đất, nước và không khí, sẽ rất độc hại với cuộc sống con người. Giảm năng lượng tiêu thụ, giảm đốt cháy nhiên liệu, sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo và nâng cao được chất lượng cuộc sống;
Bảo tồn nguồn năng lượng tự nhiên: Quá trình công nghiệp hóa trong những thập kỷ qua đã và đang sử dụng ngày càng nhiều các nguồn năng lượng hóa thạch trong tự nhiên, như than, dầu thô, khí tự nhiên, trong khi các nguồn năng lượng này là hữu hạn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trữ lượng dầu mỏ cũng như các nguồn năng lượng hóa thạch trên thế giới chỉ còn đủ sử dụng trong khoảng vài chục năm tới. Do vậy, KTNL sẽ giúp bảo tồn được nguồn năng lượng hóa thạch;
Đảm bảo an ninh năng lượng: An ninh năng lượng là một trong những vấn đề sống còn nhằm đảm bảo cho sự thịnh vượng và phát triển bền vững của từng quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Tiến hành KTNL và thực hiện các đề xuất mà kiểm toán viên chỉ ra cho cơ sở sử dụng năng lượng là giải pháp rất quan trọng góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Cán bộ kiểm toán năng lượng tiến hành kiểm tra tại một đơn vị sản xuất.
Các loại kiểm toán năng lượng
Các loại KTNL được thực hiện phụ thuộc vào chức năng, quy mô và loại hình của cơ sở sử dụng năng lượng, mức độ chuyên sâu mà cuộc kiểm toán cần thực hiện, cũng như tiềm năng và mức độ tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí mong muốn. Dựa trên các tiêu chí này, KTNL có thể được phân thành hai loại: KTNL sơ bộ và KTNL chi tiết.
KTNL sơ bộ: Trong một cuộc KTNL sơ bộ, chủ yếu sử dụng các dữ liệu sẵn để phân tích đơn giản về việc sử dụng năng lượng và hiệu suất của cơ sở, nhà máy. Loại kiểm toán này không yêu cầu đo lường và thu thập nhiều dữ liệu chi tiết. KTNL sơ bộ thường diễn ra trong thời gian tương đối ngắn và kết quả mang tính tổng quát, mang lại cơ hội chung cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Phân tích kinh tế được thực hiện thường chỉ giới hạn trong việc tính toán thời gian hoàn vốn giản đơn.
KTNL chi tiết: Đối với các cuộc KTNL chi tiết, cần có dữ liệu và thông tin chi tiết hơn. Các phép đo, đánh giá dữ liệu thường được tiến hành, các hệ thống tiêu thụ năng lượng khác nhau (máy bơm, quạt, khí nén, hơi nước, quá trình gia nhiệt,...) được đánh giá chi tiết. Do đó, thời gian cần thiết cho loại kiểm toán này dài hơn so với kiểm toán sơ bộ. Kết quả của KTNL chi tiết là toàn diện và hữu ích hơn vì chúng đưa ra bức tranh chính xác hơn về hiệu suất năng lượng của cơ sở sử dụng năng lượng và các khuyến nghị cụ thể hơn để cải tiến. Phân tích kinh tế, được thực hiện cho các giải pháp hiệu quả năng lượng được đề xuất, ngoài thời gian hoàn vốn đơn giản (Thv), thường bao gồm việc tính toán giá trị hiện tại ròng (NPV), tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR), tỷ lệ lợi ích trên chi phí (B/C) và có thể bao gồm thời gian hoàn vốn có chiết khấu (đối với các dự án có thời gian dòng đời tương đối dài).
Quy trình thực hiện kiểm toán năng lượng
Trình tự thủ tục KTNL được quy định và hướng dẫn tại Phụ lục III của Thông tư số 25/2020/TT-BCT ngày 29 tháng 9 năm 2020, với các nội dung cụ thể tương ứng với 06 bước thực hiện như sau:
Bước 1: Xác định phạm vi KTNL.
Bước 2: Thành lập nhóm KTNL.
Bước 3: Ước tính khung thời gian và kinh phí.
Bước 4: Thu thập dữ liệu có sẵn.
Bước 5: Kiểm tra thực địa và đo đạc.
Bước 6: Phân tích các số liệu thu thập được.
Kiểm toán năng lượng là một công cụ mạnh mẽ và cần thiết để giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự biến đổi khí hậu, việc sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ là một nhu cầu mà còn là một trách nhiệm của mọi doanh nghiệp và tổ chức.
Hương Trà