[In trang]
Điểm danh các công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng cho thiết bị
Thứ tư, 14/05/2025 - 08:20
Tìm hiểu các công nghệ tiết kiệm năng lượng khi chọn mua thiết bị sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là một số công nghệ phổ biến giúp tối ưu hiệu quả năng lượng cho thiết bị.

Công nghệ Inverter

Công nghệ Inverter hay còn được biết đến là công nghệ sử dụng biến tần được áp dụng rộng rãi trên các thiết bị điện lạnh. Công nghệ sử dụng biến tần có thể điều chỉnh và duy trì quá trình làm lạnh mà không phải khởi động lại động cơ, qua đó giúp thiết bị kiểm soát được công suất hoạt động, tránh tiêu hao nhiều năng lượng trong quá trình hoạt động.
Công nghệ sử dụng biến tần hoạt động dựa trên việc điều chỉnh tần số để thay đổi tốc độ hoạt động của động cơ. Nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ vi xử lý và công nghệ bán dẫn, việc sử dụng các biến tần để điều chỉnh tốc độ của động cơ còn có thể giảm tiếng ồn cho động cơ và nâng cao được hiệu suất làm việc của động cơ.
Nguyên lý của biến tần là sử dụng nguồn điện xoay chiều 1 pha hoặc 3 pha, được chỉnh lưu thành nguồn một chiều và được lọc phẳng. Sau đó, nguồn điện 1 chiều được nghịch lưu thành nguồn điện xoay chiều 1 pha hoặc 3 pha đối xứng.
Tiết kiệm điện và làm mát nhanh là tính năng đặc trưng của các dòng điều hòa Inverter 
Các thiết bị điện sử dụng công nghệ biến tần sẽ giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ cho thiết bị, từ đó giảm chi phí quản lý và vận hành. Hiện nay, công nghệ biến tần không chỉ tồn tại chủ yếu trên các thiết bị điện lạnh mà còn được phát triển để sử dụng rộng rãi cho các thiết bị điện khác trong gia đình:
Điều hòa: Điều hòa Inverter hoạt động khá êm ái, không tiếng ồn và giúp tiết kiệm điện. Điều đáng chú ý nhất là nhiệt độ phòng luôn được duy trì ổn định tạo không khí dễ chịu và không gian thoải mái.
Tủ lạnh: Tủ lạnh sử dụng công nghệ Inverter có khả năng kiểm soát tốt nhiệt độ cả trong ngăn đông lẫn ngăn đựng rau quả, giúp bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn và vẫn giữ được độ ngon. Ngoài ra, thiết bị này khi vận hành sẽ tiết kiệm được điện năng tiêu thụ.
Máy giặt: Công nghệ Inverter trên máy giặt giúp máy hoạt động êm hơn, tiết kiệm nước và tránh gây hư hại quần áo khi giặt. Máy giặt Inverter điều khiển động cơ bằng bộ vi xử lý. Do đó, máy giặt có thể kiểm soát và điều chỉnh vòng quay phù hợp với các mức nước và các chế độ giặt.
Bếp từ: Bếp từ sử dụng công nghệ Inverter có mạch công suất chạy ở mức nhỏ nhất và tận dụng tối đa nhiệt trong quá trình nấu. Người dùng sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt trong thời gian nấu, độ bền và độ tiết kiệm điện của bếp từ Inverter so với bếp từ thường.
Lò vi sóng: Đối với lò vi sóng Inverter, công suất sẽ được tận dụng liên tục và đều đặn thay vì ngắt quãng như lò vi sóng thường. Chính điều này khiến thời gian nấu ăn nhanh hơn và tiết kiệm điện năng sử dụng hơn. Ngoài ra, người dùng cũng có thể nấu nhiều thức ăn trong lò vi sóng Inverter hơn nhờ việc phân bố nhiệt đều và ổn định.
Nồi cơm điện: Khi sử dụng công nghệ Inverter, nồi cơm điện có thể tự động điều chỉnh nhiệt độ cho từng quá trình và chế độ nấu, khiến cho gạo nở đều, cơm chín ngon mà vẫn tiết kiệm điện năng. Nồi cơm điện Inverter thường được kết hợp cùng công nghệ đốt nóng trong IH giúp đảm bảo dưỡng chất có trong gạo.

Công nghệ bơm nhiệt (Heatpump)

Heatpump (hay còn gọi là bơm nhiệt) là công nghệ được phát triển dựa trên nguyên lý nhiệt lực học, vận chuyển nhiệt từ nơi này sang nơi khác.
Các máy bơm nhiệt thông thường sẽ vận chuyển nhiệt theo một chiều duy nhất. Theo tự nhiên, nhiệt độ thường sẽ khuếch tán từ nơi có nhiệt độ cao sang nơi có nhiệt độ thấp hơn. Tuy nhiên, với công nghệ mới được phát triển trong thời gian gần đây thì bơm nhiệt thuận nghịch đã ra đời cho phép vận chuyển nhiệt theo 2 chiều.
Tích hợp công nghệ sấy bơm nhiệt Heatpump vào máy giặt sấy
Công nghệ bơm nhiệt được ứng dụng trong rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, tiêu biểu như:
Tủ lạnh: Công nghệ bơm nhiệt được ứng dụng ở sản phẩm này sớm nhất. Nhiệt độ sẽ thông qua môi chất dẫn nhiệt và máy nén để bơm nhiệt độ từ trong tủ lạnh ra ngoài môi trường, giúp hạ nhiệt độ bên trong. Nhờ đó, nhiệt độ sẽ giảm xuống từ từ, tránh được tình trạng lạnh đột ngột gây ra hiện tượng bị đóng đá hay tuyết như các thế hệ cũ.
Máy giặt: Công nghệ Heatpump được áp dụng ở những máy giặt có chế độ sấy giúp quần áo nhanh khô hơn sau khi giặt và vắt.
Điều hòa: Các sản phẩm điều hòa 2 chiều hiện nay đều sử dụng công nghệ Heatpump. Công nghệ sẽ vận chuyển nhiệt từ ngoài vào trong phòng, giúp chế độ sưởi hoạt động ổn định và ấm áp.
Máy nước nóng trung tâm (bình nước nóng Heatpump): Với việc không sử dụng trực tiếp điện để làm nóng nước, công nghệ Heatpump mang đến cho người dùng sự an toàn tuyệt đối, hạn chế tới mức thấp nhất rủi ro khi sử dụng.

Công nghệ LED

Công nghệ LED (Light Emitting Diode) là một trong những tiến bộ trong lĩnh vực chiếu sáng với nhiều ưu điểm vượt trội. So với bóng đèn sợi đốt hay bóng huỳnh quang, đèn LED có khả năng tiết kiệm tới 80% - 90% năng lượng tiêu thụ.
Công nghệ LED được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như chiếu sáng dân dụng, chiếu sáng công nghiệp, bảng hiệu quảng cáo, màn hình điện tử, đèn giao thông và cả trong các thiết bị điện tử như TV, điện thoại di động,… Công nghệ LED đang ngày càng trở nên phổ biến và là lựa chọn ưu tiên trong nhiều ứng dụng chiếu sáng, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Các thiết bị đèn sử dụng công nghệ LED, có hiệu suất rất cao và có thể lên đến hơn 200 lm/W. Hiệu suất sáng đạt vượt xa ánh sáng bóng đèn sợi đốt 15 lm/W hoặc đèn huỳnh quang 80 lm/W - 95 lm/W.
Tuổi thọ của đèn LED từ 30.000h - 100.000h. Ngoài ra, đèn sử dụng công nghệ LED không chứa các chất độc hại như thủy ngân, do đó an toàn hơn cho sức khỏe và môi trường. 

Công nghệ cảm biến và tự động hóa (AI và IoT)

Công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) ngày càng trở nên phổ biến trong các thiết bị điện gia dụng, mang đến những cải tiến vượt bậc về tính năng và hiệu suất. Việc tích hợp AI vào các thiết bị điện không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn tạo ra những sản phẩm thông minh, tiết kiệm năng lượng và dễ dàng tương tác.
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của AI trong điện gia dụng là khả năng tự động hóa và điều khiển từ xa. Các thiết bị như tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi, máy điều hòa nhiệt độ có thể học hỏi thói quen sử dụng của người dùng và tự động điều chỉnh để tối ưu hóa hiệu suất. 

Công nghệ quản lý năng lượng thông minh (Smart Energy Management)

Công nghệ quản lý năng lượng thông minh (Smart Energy Management) là hệ thống ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng. Mục tiêu chính của công nghệ này là giảm thiểu lãng phí năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm chi phí vận hành.
Một số thiết bị gia dụng hiện nay đã được tích hợp công nghệ quản lý năng lượng thông minh, cho phép người dùng theo dõi và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng của các thiết bị trong nhà. Hệ thống này có thể tự động điều chỉnh thời gian sử dụng của các thiết bị điện hoặc cảnh báo người dùng về mức năng lượng tiêu thụ quá mức.
Công nghệ quản lý năng lượng thông minh thường kết hợp thiết bị cảm biến, hệ thống điều khiển tự động và phần mềm phân tích dữ liệu để giám sát, kiểm soát và tối ưu hóa việc tiêu thụ năng lượng. Thông qua các thuật toán thông minh và dữ liệu thời gian thực, hệ thống có thể dự đoán và điều chỉnh mức tiêu thụ năng lượng, đồng thời tự động phát hiện các vấn đề bất thường và cảnh báo kịp thời.
Hương Trà t/h