[In trang]
Gỡ “nút thắt” phát triển thị trường dịch vụ năng lượng tại Việt Nam
Thứ hai, 12/05/2025 - 08:01
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ là hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện và khuyến khích phát triển mô hình ESCO.

Tại kỳ họp thứ 9, quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ). Một trong những nội dung quan trọng Dự án Luật tập trung đó là xây dựng các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hỗ trợ và khuyến khích để hình thành hệ thống các Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).

Thực trạng hoạt động ESCO tại Việt Nam

Mô hình ESCO đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tối ưu hóa chi phí vận hành cho doanh nghiệp và phát triển bền vững. Thực tế của các nước cho thấy, việc thực hiện Hợp đồng hiệu quả năng lượng (EPC) thông qua ESCO đã đóng góp đáng kể cho mở rộng thị trường hiệu quả năng lượng và giảm dần vốn ngân sách của Chính phủ.
Ở Việt Nam, ngay từ năm 2005, một số đơn vị tư vấn, doanh nghiệp và cơ quan quản lý năng lượng đã được giới thiệu ESCO qua dự án “nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở Việt Nam” - Dự án PECSME.
Qua 20 năm hoạt động, thị trường ESCO tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo số liệu điều tra, khảo sát của Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), hiện Việt Nam có trên 200 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ESCO nhưng trên thực tế số lượng đơn vị đăng ký hoạt động ESCO và có hoạt động theo mô hình ESCO đúng nghĩa (kinh doanh theo Hợp đồng hiệu quả năng lượng - EPC) còn ít hơn nhiều. 

Việt Nam hiện có trên 200 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng 
Công ty dịch vụ năng lượng là công ty cung cấp các dịch vụ và giải pháp toàn diện hoặc thực hiện các dự án đầu tư về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả dựa trên các Hợp đồng hiệu quả năng lượng, với hình thức đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
Hợp đồng hiệu quả năng lượng được hình thành giữa khách hàng và một công ty dịch vụ năng lượng, làm cơ sở để khách hàng thanh toán cho công ty dịch vụ năng lượng khi thực hiện các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
Trích Dự thảo Văn bản hợp nhất Luật SDNL TK&HQ
Chia sẻ về lý do các dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO tại Việt Nam chưa phát triển, ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch VECEA cho rằng: “Hiện tại Việt Nam thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO. Chưa có quy định thanh toán, chi trả cho dịch vụ ESCO khi có sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước, chưa có quy định về kiểm tra, giám sát mức độ tiết kiệm năng lượng của bên thứ 3, hay các quy định giải quyết tranh chấp hợp đồng và các vấn đề nảy sinh giữa ESCO và doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì phiên họp lần 1 Ban Soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Gỡ “nút thắt” cho mô hình ESCO

Nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Chính Phủ về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ. 
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ là hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện và khuyến khích phát triển mô hình ESCO.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: “Là đơn vị tham gia biên soạn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ, EVN đã đưa ra rất nhiều ý kiến để tháo gỡ những vướng mắc về mô hình ESCO. Một trong những khó khăn của đơn vị ESCO là chưa có mô hình cụ thể, chưa được luật hóa. Theo đó, tại Dự án Luật lần này đã đưa mô hình ESCO có định nghĩa và có phạm vi hoạt động vào trong luật và sẽ tạo điều kiện cho các ESCO phát triển mạnh mẽ”.
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh EVN
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch VECEA cho biết: “Mô hình ESCO được coi là công cụ rất hiệu quả trong việc triển khai các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ sẽ thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng bằng cách hoàn thiện thể chế, hành lang pháp luật cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình ESCO”.
Tại phiên họp Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chiều ngày 5/5, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy tán thành với sự cần thiết quy định về Công ty dịch vụ năng lượng. Đây là mô hình kinh doanh mới được sử dụng hiệu quả tại nhiều nước phát triển do tính ưu việt trong việc đầu tư trước thiết bị năng lượng cho người dùng và hoàn trả chi phí thiết bị trong quá trình sử dụng; thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng. Mô hình ESCO tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững. 
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam
Trước đây, các doanh nghiệp ESCO gặp nhiều khó khăn do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt trong việc ký kết hợp đồng, phân chia lợi ích và xác lập trách nhiệm giữa các bên tham gia. Các quy định cụ thể về mô hình ESCO và các khung pháp lý liên quan trong dự án Luật là bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ các rào cản lâu nay trong quá trình triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc luật hóa định nghĩa, phạm vi hoạt động và cơ chế tài chính cho mô hình ESCO sẽ giúp tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. 
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNL TK&HQ hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình ESCO không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ năng lượng, mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng bền vững. Khi các rào cản về chính sách, tài chính và pháp lý dần được tháo gỡ, mô hình ESCO sẽ có điều kiện phát huy vai trò là giải pháp đột phá, tạo xung lực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong toàn nền kinh tế.
Kinh nghiệm triển khai ESCO trên thế giới
Hoa kỳ: 
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới trong việc xây dựng chính sách tiết kiệm năng lượng toàn diện, trong đó hai trụ cột quan trọng được triển khai sâu rộng là hệ thống các quỹ tài chính hỗ trợ tiết kiệm năng lượng (TKNL) và mô hình doanh nghiệp dịch vụ năng lượng (ESCO).
Mô hình doanh nghiệp dịch vụ năng lượng (ESCO) tại Hoa Kỳ được định hình rất sớm từ những năm 1980, phát triển mạnh trong lĩnh vực công và từng bước mở rộng sang lĩnh vực tư. Đến nay, thị trường ESCO Mỹ đạt quy mô hàng chục tỷ USD mỗi năm, đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cấp hiệu suất sử dụng năng lượng tại các tòa nhà chính phủ, bệnh viện, trường học, cơ sở công nghiệp.
ESCO cung cấp giải pháp tổng thể: đánh giá hiện trạng, thiết kế giải pháp, đầu tư thay thế thiết bị, bảo trì, đo lường hiệu quả và thu hồi vốn từ khoản tiết kiệm năng lượng. Tại Mỹ, các hợp đồng ESCO phổ biến nhất là EPC (Energy Performance Contracting) – trong đó doanh nghiệp chỉ thanh toán khi có kết quả tiết kiệm được xác nhận độc lập.
Nhờ có hành lang pháp lý rõ ràng, quy chuẩn kỹ thuật thống nhất và cơ chế bảo lãnh tín dụng từ các quỹ năng lượng, các công ty ESCO tại Mỹ đã trở thành lực lượng chủ lực trong chiến lược năng lượng quốc gia, giúp giảm chi phí năng lượng và thúc đẩy đổi mới công nghệ, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm xanh.
Thái Lan: 
Thái Lan đã sớm nhận ra tiềm năng to lớn của mô hình ESCO trong việc nâng cấp hiệu suất năng lượng trong công nghiệp, thương mại và tòa nhà công cộng. Từ năm 1999, Chính phủ đã khởi động Chương trình Thúc đẩy ESCO (ESCO Promotion Program) thông qua Cơ quan Phát triển Hiệu quả Năng lượng (DEDE).
DEDE đóng vai trò điều phối thị trường, cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng miễn phí, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp và kết nối các công ty ESCO với người sử dụng.
Đến nay, Thái Lan có hàng trăm doanh nghiệp ESCO hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực như hệ thống lạnh, chiếu sáng công nghiệp, quản lý năng lượng tòa nhà, và xử lý nhiệt thải. Chính phủ cũng vận hành một cổng thông tin ESCO quốc gia, nơi cung cấp mẫu hợp đồng chuẩn EPC, thông tin đấu thầu và kết quả đánh giá dự án.
Hàn Quốc:
Giai đoạn 2015–2022, các dự án ESCO tại Hàn Quốc đã giúp tiết kiệm trên 2 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), giảm hơn 5 triệu tấn CO₂ và tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí năng lượng cho doanh nghiệp và hộ tiêu dùng.
Không chỉ vậy, hệ sinh thái ESCO còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo thiết bị hiệu suất cao, phần mềm điều khiển năng lượng và các dịch vụ tư vấn kỹ thuật – tạo thêm hàng chục nghìn việc làm có kỹ năng cao.
Các quốc gia EU:
Các công ty ESCO tại EU hoạt động trong môi trường pháp lý và kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa chặt chẽ. Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Châu Âu (CEN/CENELEC) ban hành các hướng dẫn về hợp đồng hiệu suất năng lượng (EPC), phương pháp đánh giá tiết kiệm, và khung báo cáo kỹ thuật.
Một số quốc gia như Đức, Pháp, Hà Lan còn đưa ra hệ thống chứng nhận ESCO, đánh giá định kỳ năng lực và minh bạch hiệu quả đầu tư. Việc này giúp xây dựng lòng tin trong thị trường và khuyến khích sự tham gia rộng rãi của doanh nghiệp vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công