[In trang]
Bộ Công Thương tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Thứ sáu, 18/07/2025 - 11:03
Ngày 18/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) cho hơn 50 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực miền Bắc.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3), nhằm nâng cao năng lực truyền thông và lan tỏa nhận thức xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Hải Dũng - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, để giảm áp lực cung ứng năng lượng, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân và bảo vệ môi trường.
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc hội nghị
Theo khảo sát của chương trình VNEEP 3, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp - chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Nếu chỉ tính riêng hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên cả nước, với mức tiêu thụ điện hơn 80 tỷ kWh/năm, chỉ cần thực hiện tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng mỗi năm, sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh, tương đương hơn 3.200 tỷ đồng chi phí tiền điện hàng năm.
Ngày 18/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định mới, khẳng định vai trò quan trọng của tiết kiệm năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong quá trình triển khai các chủ trương lớn trên, công tác truyền thông giữ vai trò hết sức quan trọng. Những thông tin chính xác, kịp thời, gần gũi và có chiều sâu về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chính là “chìa khóa” để lan tỏa nhận thức, khơi dậy trách nhiệm cộng đồng và thúc đẩy thay đổi hành vi trong toàn xã hội.
“Với sự góp sức nhiệt huyết của các phóng viên, biên tập viên, những “cầu nối” thông tin quan trọng thì việc truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, thiết thực hơn. Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên trong quá trình tác nghiệp, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời”, ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh.
Hơn 50 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực miền Bắc tham dự hội nghị.

Kết quả triển khai Luật SDNL TK&HQ 

Chia sẻ về những kết quả nổi bật của Luật SDNL TK&HQ (Luật số 50/2010/QH12), ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho biết: Sau Luật số 50/2010/QH12 được thông qua đã có một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành gồm: Nghị định số 21/2011/NĐ-CP; Nghị định số 134/2013/NĐ-CP; Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg; 16 thông tư quy định định mức sử dụng năng lượng và các biện pháp SDNL TK&HQ trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp; 02 Quy chuẩn Việt Nam, hơn 50 bộ Tiêu chuẩn Hiệu suất năng lượng; 06 bộ TCVN về hệ thống Quản lý năng lượng, Kiểm toán năng lượng; Các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 12 Quyết định về việc chỉ định 12 cơ sở thử nghiệm hiệu suất năng lượng và 16 văn bản hướng dẫn tác nghiệp đã được ban hành.
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội VECEA
Về triển khai tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật có chuỗi hoạt động của sự kiện Giờ Trái đất hàng năm; tổ chức cuộc vận động hộ gia đình tiết kiệm điện đã trực tiếp thu hút được 120.000 hộ dân tham gia; 4.500 tin, bài đã được tuyên truyền thông qua trên hệ thống báo điện tử, đài truyền thanh của các tỉnh, thành phố; hơn 80 phóng sự chuyên sâu về các giải pháp tiết kiệm điện đã được xây dựng và phát trên hệ đài truyền hình các tỉnh, thành phố; vận động hơn 9.500 hộ dân lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời nối mái; hơn 300 lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn về tiết kiệm điện cho doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân; hỗ trợ 1.200 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng và thực hiện các giải pháp về tiết kiệm điện; đào tạo, cấp chứng chỉ cho hơn 5.000 Kiểm toán viên năng lượng và Người quản lý năng lượng.
Về chương trình dán nhãn năng lượng, Bộ Công Thương đã triển khai dán nhãn năng lượng cho 19 chủng loại sản phẩm. Trên 20.000 sản phẩm đã được dán nhãn năng lượng trên thị trường. Loại bỏ khoảng 45 triệu bóng đèn sợi đốt ra khỏi thị trường, hiệu quả sử dụng điều hòa không khí tăng 13% hàng năm, tiết kiệm khoảng 100 triệu kWh/năm. 
TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực
Tại hội nghị, TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực đã giới thiệu các mô hình và giải pháp hiệu quả trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong phát triển bền vững. Đối với doanh nghiệp thì các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm: Thứ nhất: Tối ưu hóa quy trình sản xuất (kiểm tra định kỳ quản lý năng lượng và bảo dưỡng khắc phục sai hỏng); Thứ hai: Quản lý năng lượng (lắp đặt hệ thống giám sát tiêu thụ năng lượng theo khu vực, dây chuyền, xây dựng mô hình quản lý năng lượng); Thứ ba: Tích hợp thiết bị (biến tần, bộ thu hồi nhiệt, bộ điều khiển); Thứ tư: Sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng (động cơ hiệu suất cao, TBA tổn hao thấp, điều hòa inverter, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng).
Theo đó, lợi ích của tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp gồm: Giảm chi phí sản xuất từ việc cắt giảm chi phí năng lượng; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế; cải thiện môi trường làm việc; tạo uy tín và hình ảnh tốt của doanh nghiệp trên thị trường nhờ cải thiện các vấn đề môi trường góp phần giảm phát thải khí nhà kính; tuân thủ Luật SDNL TK&HQ, dễ dàng đạt được tiêu chuẩn ISO 50001.
Chia sẻ về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025, bà Lê Thị Thúy Lan - Trưởng ban Môi trường và Phát triển bền vững Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2023, cả nước tiết kiệm được 5.298 triệu kWh, tương đương 2,1% sản lượng điện thương phẩm. Năm 2024, con số này tăng lên 6.506 triệu kWh, tương đương 2,46% điện thương phẩm. Đã có hơn 9,9 triệu lượt người dân được tư vấn trực tiếp và gián tiếp về cách sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Các chương trình tiêu biểu như “Gia đình Tiết kiệm điện”, “Tiết kiệm điện học đường”, “Tiết kiệm điện công sở” cũng thu hút hàng trăm nghìn gia đình, học sinh và công chức tham gia, góp phần lan tỏa ý thức sử dụng năng lượng hiệu quả trong cộng đồng.
Bà Lê Thị Thúy Lan - Trưởng ban Môi trường và Phát triển bền vững Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Cũng theo bà Lan, triển khai công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, EVN xác định khách hàng sử dụng điện lớn là nhóm mục tiêu trọng điểm vì có tiềm năng tiết kiệm rất lớn. Các giải pháp được triển khai bao gồm: Triển khai chương trình Điều chỉnh phụ tải; tư vấn kỹ thuật định hướng hành động; cam kết có giám sát - minh bạch và hiệu quả; truyền thông đa nền tảng-đa chiều; phối hợp chặt chẽ giữa ba bên: EVN-Chính quyền-Báo chí.
Trong hành trình hiện thực hóa Chỉ thị 20 và xây dựng văn hóa tiết kiệm điện, báo chí chính là người bạn đồng hành không thể thiếu - là cầu nối giữa chủ trương và nhận thức, giữa chính sách và hành động. "Nếu EVN là lực lượng kiến tạo giải pháp kỹ thuật, thì báo chí là lực lượng kiến tạo niềm tin, lay động trái tim, truyền cảm hứng, thay đổi hành vi. Chính nhờ sự vào cuộc tích cực, sâu sắc và nhân văn của báo chí, những thông điệp tưởng chừng khô khan về tiết kiệm điện đã trở nên gần gũi, cảm xúc và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng", bà Lan nhấn mạnh.

Kỹ năng truyền thông và khai thác thông tin về SDNL TK&HQ

Chia sẻ về kỹ năng truyền thông và khai thác thông tin về SDNL TK&HQ; phương pháp tiếp cận và kỹ năng khai thác và sử dụng các từ kỹ thuật chuyên ngành trong tuyên truyền SDNL TK&HQ, ông Trần Bá Dung - Nguyên trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng các yêu cầu truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm: sử dụng đa dạng các kênh truyền thông mới; cá nhân hóa thông điệp; ứng dụng công nghệ số; hợp tác với người có tầm ảnh hưởng (KOLs); thúc đẩy tương tác và tham gia cộng đồng; Tập trung vào kết quả thực tiễn; Kĩ năng phát hiện đề tài và khai thác, xử lý thông tin.
Theo ông Dung, một số kĩ năng khi viết về SDNL TKHQ là cần chia nhỏ cách tiếp cận vấn đề; viết về cách làm sáng tạo của ngành, địa phương; theo dõi các vấn đề gây tranh cãi; kể những câu chuyện (sáng kiến, cách làm, mô hình, tấm gương), đưa con người vào câu chuyện, nhưng không bỏ qua góc độ khoa học; lưu ý rằng chứng cứ quan trọng hơn ý kiến; giải thích, đơn giản hoá những thông tin phức tạp, sau khi viết bài cần kiểm tra lại nội dung, nguồn tin có tin cậy không.
Ông Trần Bá Dung - Nguyên trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ kỹ năng khai thác thông tin về SDNL TK&HQ
Thông qua hội nghị tập huấn, Bộ Công Thương kỳ vọng đội ngũ phóng viên, biên tập viên sẽ trở thành những cầu nối truyền thông mạnh mẽ, đưa thông tin chính thống, khoa học và gần gũi về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Kết thúc buổi tập huấn, phóng viên, biên tập viên đã đi thăm tòa nhà EVN - đây là tòa nhà nằm trong danh sách 15 công trình được công nhận Cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh Hà Nội năm 2017 của UBND TP Hà Nội và Giải Nhất cho hạng mục công trình cải tạo của Giải thưởng “Hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng năm 2024” do Bộ Công Thương và Hội VECEA trao tặng.
Mai Anh