[In trang]
Tập huấn tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng
Thứ năm, 03/05/2007 - 15:17
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm năng lượng, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ Công nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức tập huấn cho 22 Đài PT-TH khu vực phía Nam.

Theo ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng Ban Thư ký Biên tập- Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), Trưởng Ban tổ chức lớp tập huấn, đợt tập huấn lần này nằm trong chương trình phối hợp hành động giữa Đài TNVN với Bộ Công nghiệp và Tập đoàn Điện lực VN. Lớp tập huấn nhằm triển khai nội dung tuyên truyền, chủ trương tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đợt tập huấn lần thứ 2 của năm 2007, tại khu vực phía nam, sau đó sẽ tổ chức ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ông Trịnh Ngọc Khánh – Phó Trưởng Ban Kinh doanh và Điện nông thôn- Tập đoàn Điện lực VN, cho biết, tại lớp tập huấn các chuyên gia của Tập đoàn cung cấp những thông tin về năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, trong hiện tại cũng như tương lai cho đội ngũ phóng viên báo chí. “Chúng tôi cũng hy vọng, từ sự hiểu biết đó thì sẽ có sự cảm thông chia sẻ và phối hợp trong việc tuyên truyền tiết kiệm điện tốt hơn”.

Hiện nay vẫn còn một số suy nghĩ cho rằng cắt điện là một hình thức tiết kiệm điện. Ông Trịnh Ngọc Khánh cho rằng, đó là một cách hiểu sai lầm, tiết kiệm điện không phải là cắt điện. Tiết kiện điện là việc chúng ta nên làm thường xuyên kể cả khi đủ điện. “Hy vọng rằng qua lớp tập huấn này đội ngũ phóng viên các đài phát thanh truyền hình các địa phương giúp chúng tôi chuyển tải thông điệp đó tới người sử dụng điện”.

Theo ông Nguyễn Hữu Tưởng – phóng viên Đài PT-TH Bình Thuận, lớp tập huấn này mang lại nhiều điều bổ ích. Các chuyên gia về năng lượng cung cấp cho người học cái nhìn bao quát về năng lượng và sự cần thiết của việc sử dụng tiết kiệm năng lượng trong tình hình hiện nay, từ đó làm cơ sở cho việc thông tin, tuyên truyền dễ dàng và hiệu quả hơn. Theo ông Tưởng, lĩnh vực tiết kiệm năng lượng rất khó tuyên truyền, từ trước đến nay chủ yếu tuyên truyền theo kiểu chung chung, chưa thuyết phục lắm, “khi tham dự lớp tập huấn này, được học kỹ năng tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng, tôi nghĩ sắp tới mình sẽ thực hiện thông tin tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng đi vào lòng dân hơn”.

Chị Lê Kiều Tiên – Biên tập viên Đài PT-TH Cần Thơ, cho rằng mình đã thu nhận được nhiều thông tin bổ ích từ lớp tập huấn này. Chị kể rằng, mình đã từng viết về tiết kiệm năng lượng, nhưng chỉ viết chung chung giống như hô khẩu hiệu và bản thân chị cũng chưa hiểu nhiều về tiết kiệm năng lượng nhưng qua lớp tập huấn, “tôi nghĩ là các chuyên gia đã cho mình nhiều thông tin để mình nắm rõ hơn chuyện phải TKNL”, đặc biệt là nắm được kỹ năng tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình về chủ đề này. Từ đó chị có thể thay đổi cách viết của mình về chủ đề này.

Giảng viên lớp tập huấn về TKNL, Tiến sĩ Vũ Quang Hào cho biết, lớp tập huấn bao gồm cả cán bộ quản lý và phóng viên các đài PT-TH địa phương. Đó là cách làm hợp lý, thuận tiện lợi cho phóng viên, biên tập các đài tham gia, phù hợp với đặc trưng của vùng miền, đặc trưng thính giả ở từng địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo viên bên ngành năng lượng và các doanh nghiệp đã cho học viên khối lượng thông tin khá lớn về năng lượng ở VN nói chung và chiến dịch tuyên truyền TKNL nói riêng. Khối lượng thông tin này được chuẩn bị tương đối kỹ càng và rất hữu ích cho các phóng viên, biên tập viên, và các nhà quản lý làm tin bài tuyên truyền về TKNL.

Liên quan đến việc đưa thông tin tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng trên sóng phát thanh truyền hình sao cho hiệu quả, Ông Vũ Quang Hào cho rằng, Đài PT-TH các tỉnh phải dành một thời lượng thích đáng, và đi kèm là hình thức tuyên truyền phù hợp, không chỉ dừng lại ở các thông điệp, và các thông điệp này cũng không chỉ dừng lại ở một vài thông điệp quen thuộc mà các Đài càng sản xuất được nhiều thông điệp càng tốt, và những thông điệp đó được phát liên tục ở nhiều thời điểm khác nhau. Bên cạnh các thông điệp, các đài sản xuất các tin, bài theo chủ đề càng cụ thể càng tốt để cho công chúng của địa phương hiểu được thực trạng nguồn năng lượng của đất nước, trách nhiệm với tư cách công dân họ phải sử dụng, chia sẻ, tiết kiệm và bảo tồn năng lượng như thế nào. Muốn như thế các phóng viên và nhà quản lý phải gia công làm các tác phẩm tin bài này theo những cách làm mới mà họ đã tiếp cận được từ các lớp tập huấn.

(Nguồn: VOV)