Khung thể chế về quản lý và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các nước ASEAN và Việt Nam
Mỗi quốc gia thành viên ASEAN tuỳ thuộc hoàn cảnh kinh tế, xã hội, năng lực thể chế, nguồn tài chính, tốc độ tăng trưởng, nguồn tài nguyên thiên nhiên…. để lựa chọn một công cụ pháp lý phù hợp, nhằm quản lý và thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời đặt ra các mục tiêu và cách tiếp cận để giám sát quá trình thực hiện.
Với mức độ quan tâm nhất định tới sự hình thành và phát triển khung chính sách và thể chế
về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các nước trong khối ASEAN, có thể chia thành 2 nhóm dựa trên hiện trạng phát triển của từng quốc gia. Nhóm thứ nhất, gồm các quốc gia có khung thể chế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã tương đối phát triển, việc thực hiện các chương trình được lên kế hoạch cụ thể. Nhóm thứ 2, là các quốc gia khung thể chế chỉ được quan tâm ở mức độ nhất định.
Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar thuộc nhóm thứ 2, hiện nay, các quốc gia này chưa hình thành thể chế cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề tiết kiệm và bảo tồn năng lượng đã trở thành một trong những vấn đề quan tâm trong quá trình xây dựng chính sách năng lượng quốc gia. Brunei đã có những hướng dẫn để thực hiện tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các tòa nhà thương mại, đồng thời, Chính phủ cũng đã phê duyệt và triển khai chương trình hành động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực hiện trên phạm vi quốc gia. Đối với Lào và Campuchia, một số hoạt động liên quan tới TKNL đối với xí nghiệp công nghiệp và toà nhà thương mại đã bắt đầu khởi động bằng các dự án cụ thể.
Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan là các quốc gia đã có các quy định cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Indonesia đã ban hành một số Nghị định và Hướng dẫn từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhằm triển khai các hoạt động TKNL. Khung luật pháp cho chính sách sử dụng năng lượng quốc gia ở Indonesia đã được bổ sung năm 2004, nhằm đạt mục tiêu phát triển năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Malaysia cũng đã ban hành các quy định về cung cấp và sử dụng khí thiên nhiên, về sử dụng điện, gần đây nhất là quy định của Bộ trưởng Bộ Năng lượng về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả điện năng. Quy định nêu rõ việc cấm các nhà nhập khẩu, kinh doanh và người sử dụng cuối cùng lắp đặt các thiết bị không đáp ứng các yêu cầu quy định về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Tại Philippines, Cục quản lý Điện lực đã ban hành Thông tư, trong đó quy định, các xí nghiệp công nghiệp, công ty thương mại và dịch vụ vận tải tiêu thụ năng lượng với số lượng lớn phải có báo cáo về tình hình tiêu thụ năng lượng.
Singapore cũng ban hành một số quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Quy định về kiểm soát sử dụng năng lượng trong các toà nhà được ban hành năm 1989 rất cụ thể về giá trị chuyển đổi nhiệt tổng cộng (OTTV) của các toà nhà sử dụng điều hòa nhiệt độ. Một số quy định khác liên quan tới HVAC và thiết bị chiếu sáng cũng được xây dựng để bổ sung thêm yêu cầu về OTTV.
Khung thể chế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Thái Lan chủ yếu dựa vào Luật thúc đẩy bảo tồn năng lượng B.E. 2535 được ban hành năm 1992, nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như khuyến khích sản xuất và sử dụng các máy móc, thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao. Một số Nghị định được ban hành năm 1993, 1995 và 1997 đã đưa ra các quy định về dung tích lắp đặt, hiệu suất năng lượng của các tòa nhà, hiệu suất năng lượng các xí nghiệp công nghiệp.
Nhìn chung, các quốc gia trong khối ASEAN đang từng bước hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, khi trình độ công nghệ sử dụng năng lượng còn thấp, tiềm năng TKNL là khá lớn, mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị giá trị kinh tế trong sản xuất công nghiệp của nước ta quá cao. Cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5 - 1,7 lần, có nghĩa là, để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, chúng ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5 - 1,7 lần so với các nước nói trên. Ngày 03- 9- 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2003/NĐ-CP về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau một thời gian triển khai, bước đầu đã hình thành được phương thức quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao nhận thức của cộng đồng, hành vi tiết kiệm năng lượng đã được khuyến khích thực hiện trong mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhiều vấn đề bất cập liên quan đến tính khả thi của Nghị định và một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định đã được nhận dạng như: Thiếu đồng bộ và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương; chế tài chưa đầy đủ và đủ mạnh; thể chế tài chính chưa đủ sức khuyến khích các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Việc xây dựng và ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được soạn thảo, dự kiến ban hành trước năm 2010, để điều chỉnh toàn bộ hành vi phía sử dụng năng lượng là cần thiết, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay. Với
các định chế đồng bộ được quy định trong Bộ Luật này, hy vọng sẽ khắc phục được các yếu kém trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tại Việt Nam. Đồng thời, bảo đảm các cơ chế hoạt động của thị trường; tôn trọng quyền chủ động của các doanh nghiệp, của người sử dụng năng lượng; thúc đẩy toàn xã hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, mục tiêu tiết kiệm là quốc sách, TKNL đi cùng với phát triển năng lượng, phát triển kinh tế.
Nguyễn Đình Hiệp
Chánh Văn phòng TKNL - Bộ Công Thương